Giải thích đầy đủ về DAO - Tổ chức tự trị phi tập trung
DAO là gì?
DAO là viết tắt của thuật ngữ Decentralized Autonomous Organization, nghĩa là tổ chức tự trị phi tập trung.
Không giống như nhà nước hoặc các tổ chức lớn như Microsoft, Google có cơ quan đầu não lãnh đạo, DAO là thực thể do cộng đồng lãnh đạo mà không có cần đến cơ quan trung ương.
Hệ thống DAO được vận hành nhờ các quy tắc chung được đặt ra trong Smart contract (hợp đồng thông minh). Tất cả những biểu quyết, thỏa thuận hay quyết định đều được công khai minh bạch trên blockchain.
Tại sao lại cần DAO?
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể đã quen với việc một đất nước mà mọi quyết định đều nằm trong tay một nhóm người và mọi chính sách được đưa ra đều chỉ phục vụ lợi ích của nhóm nhỏ đó thay vì tất cả mọi người. DAO ra đời bắt nguồn từ những nguyên nhân như vậy.
Theo nguyên tắc hoạt động của DAO, tất cả các quy tắc sẽ được định nghĩa trong hợp đồng thông minh. Điều này khiến cho mọi thứ trở nên minh bạch và khó sửa đổi. Tiếp theo tất cả các quyết sách có ảnh hưởng đến lợi ích chung đều được công khai và phải được thông qua bởi số đông các thành viên. Do đó sẽ không ai có quyền thao túng phần còn lại.
Chúng ta có thể tóm tắt một số lý do cho dễ hiểu:
- DAO giúp tạo ra sự minh bạch và tin tưởng. Các thành viên có thể không cần quen biết hoặc tin tưởng lẫn nhau, vì mọi hành động bây giờ đều sẽ được ghi lại on-chain và được phán xử bởi DAO.
- DAO giúp tạo ra sự công bằng và bình đẳng. Không ai có quyền thao túng phần còn lại.
- DAO tạo ra sự kết nối. Tất cả các bên liên quan sẽ được đóng góp ý kiến và biểu quyết cho sự phát triển chung.
- DAO tạo ra cộng đồng. Nó gắn kết mọi người lại và khuyến khích mọi người cùng hành động vì sự phát triển của dự án.
DAO bao gồm những gì?
- Group chat: DAO là một tổ chức đại diện cho một cộng đồng. Một cộng đồng thì luôn cần nơi nào đó để có thể tham gia thảo luận hoặc chia sẻ ý kiến và đóng góp của mình.
- Treasury: Dịch sang tiếng Việt nó có nghĩa là Kho bạc - hiểu đơn giản là một cái kho lưu trữ tài sản. Treasury có thể coi là thành phần trọng yếu của bất kỳ một DAO nào. Bản chất của nó là một smart contract có thể chứa bất kỳ thứ gì như ETH, USDT, BTC hay các NFT Collectibles có giá trị cao,…
Treasury vừa là động lực khiến các thành viên đóng góp tích cực để xây dựng DAO, vừa là một công cụ để phát triển cộng đồng lớn mạnh hơn nữa. - Token: Các thành viên có thể stake token để có quyền biểu quyết đến các vấn đề quản trị của DAO. Ngoài ra token có thể được sử dụng để làm bằng chứng, hoặc là một hình thức thu phí trong DAO.
- Governance: Bao gồm một hoặc một số smart contract đóng vai trò quản trị và vận hành DAO.
- Utilities: Một DAO muốn phát triển bền vững và lâu dài thì các thành viên trong đó phải nhận được những lợi ích nhất định. Trong đó lợi ích về mặt tài chính là một ví dụ rõ ràng nhất trong thị trường Crypto.
DAO hoạt động như thế nào?
DAO - tổ chức tự trị phi tập trung hoạt động như một công ty. Trong đó các quy tắc, quy định được xây dựng và được vận hành thông qua smart contract. Các smart contract sẽ được triển khai lên blockchain và tự hoạt động một cách độc lập.
Với smart contract các quy tắc hoặc thỏa thuận có thể thực thi tự động khi đạt được điều kiện nào đó. Ví dụ: Một smart contract từ thiện sẽ tự động gửi tiền đi đến địa chỉ ví nhà trẻ mồ côi nếu nhận đủ số tiền là $100K.
Trên thực tế, ở thời gian đầu của một dự án DAO, đội ngũ phát triển chính của dự án - core team sẽ đưa ra ý tưởng, tiến hành ICO để kêu gọi gốn, đồng thời với đó là các hình thức phân phối khác nhau để đảm bảo token đến được những đối tượng thực sự quan tâm đến DAO của họ.
Sau đó, core team sẽ xây dựng smart contract để quản trị DAO và định nghĩa những quy tắc của DAO trong mã nguồn của smart contract. Các quy tắc có thể được thiết kế để đa số những người nắm giữ token của dự án của thể tham gia biểu quyết để đưa ra quyết định. Phần việc còn lại smart contract sẽ tự động thực thi.
Vì smart contract được triển khai blockchain và bất kỳ ai cũng có thể tra soát hoạt động của nó nên mọi người có toàn quyền quyết định tham gia hoặc không tham gia vào DAO. Tuy nhiên nếu chỉ nắm giữ DAO thôi là không đủ, bởi nếu có ai đó cố tình mua token và nắm giữ nó để đưa ra biểu quyết phá hoại thì thật là không may.
Do đó luật của DAO sẽ yêu cầu, bạn phải lock hay gửi token vào voting smart contract thì bạn mới có quyền vote. Điều này đảm bảo rằng không có hành động phá hoại hoặc suy nghĩ ngắn hạn nào có thể tác động xấu đến DAO, bởi nếu bạn đưa ra một hành động xấu, giá trị token có thể giảm xuống và bạn sẽ bị thua lỗ.
Sau khi smart contract được hoàn thành, core team sẽ triển khai nó lên blockchain network - phổ biến nhất hiện nay là Ethereum và Binance Smart Chain. Một khi mã nguồn được triển khai thành công, mọi hành động sau đó sẽ được xử lý bởi smart contract. Nếu ai đó muốn sửa đổi hoặc cập nhật mã nguồn thì phải có sự đồng thuận từ voters.
Có những loại DAO nào?
Có rất nhiều loại DAO khác nhau, khó mà liệt kê hết được. Ở đây tôi sẽ chỉ liệt kê những dạng hay gặp nhất.
Protocol DAOs
Voter được quyền quyết định đến sự thay đổi trong giao thức và cấu trúc quản trị - governance structure của DAO.
Ví dụ: Uniswap tặng governance token cho những người cung cấp thanh khoản cho liquidity pool. Token này được dùng để vote cho những quyết định liên quan đến hoạt động quản trị của Uniswap DEX.
Grants DAOs
Cộng động tham gia góp quỹ vốn và mọi người sử dụng DAO để biểu quyết việc sử dụng quỹ vốn nói trên chia đều cho những người tham gia như thế nào. Điều đặc biệt của loại hình này đó chính là không có động cơ lợi nhuận mà thay vào đó là hoạt động theo lợi ích chung của cộng đồng.
Ví dụ: Một trong những DAO Tài trợ nổi bật nhất hiện nay là Uniswap Grants – Chương trình tài trợ Uniswap. Ngoài ra còn có AAVE Grants, Compound Grants,…
Hoặc có thể nói, hầu hết các chương trình Grants trong DeFi hiện nay đều là DAO Tài trợ.
Investment DAOs
Dạng DAO này cho phép người tham gia vote để đưa ra quyết định đầu tư hoặc thực hiện tài trợ. Doanh thu (nếu có) sẽ được chia theo quy định trong smart contract của DAO.
Ví dụ: Ví dụ nổi bật nhất về DAO Đầu tư hiện nay chính là BitDAO (BIT).
Các hoạt động chính của BitDAO bao gồm:
- Tài trợ cho dự án (giống như DAO Tài trợ);
- Phát triển giao thức (thông qua các thỏa thuận hợp tác, xây dựng sản phẩm mới);
- Đầu tư theo hình thức token swap: người nắm giữ token BIT sẽ có quyền bỏ phiếu để chọn dự án mà BitDAO sẽ đầu tư. Sau đó BitDAO sẽ hoán đổi ETH và USDC mà quỹ đang quản lý để lấy token của dự án trên các sàn DEX
Service DAOs
Service DAO là các nền tảng freelancing – nơi thu hút nhân sự các ngành làm việc cho dự án. Dĩ nhiên, khác với những nền tảng freelancing hiện tại như UpWork, Fivver hay Freelancer, các hoạt động của DAO Dịch vụ được quản trị bởi smart contract.
Nhân sự làm việc trên DAO Dịch vụ sẽ nhận lương dưới dạng token chứ không phải chuyển khoản hay thanh toán qua Visa, Paypal như cách truyền thống.
Ví dụ: HYVE là dự án với tham vọng tạo ra nền tảng phi tập trung để những nhà tuyển dụng và freelancer có thể làm việc cùng nhau. Thay vì có một đơn vị đứng giữa kiểu như Upworks hay Fiverr thì DAO sẽ đứng ra làm người phán xử và token được coi là đồng tiền trong giao dịch.
Social DAOs
Social DAO là nền tảng mạng xã hội nhưng được tổ chức hoàn toàn tự trị.
Ví dụ: Friends With Benefits (FWB) là nơi bạn có thể gặp gỡ những người cùng chí hướng trong ngành của mình, kết nối với những người đồng hành, tìm cộng tác viên mới, nhận các đề xuất về nhà hàng và du lịch, trợ giúp với một dự án. Đây là nền tảng văn hoá được tạo ra bởi các nghệ sĩ, nhà điều hành yêu thích Web3. Cộng đồng FWB rất tích cực giúp đỡ và chia sẻ về nhiều khía cạnh khác nhau từ công nghệ, ý tưởng, giải quyết vấn đề… Khi tham gia vào FWB, bạn có thể thảo luận tất cả các chủ đề và mọi người thường sẵn sàng giải thích mọi thứ cho bạn.
Những hạn chế của DAO?
Hầu hết các dự án trong nửa cuối 2021 và đầu năm 2022 đều gắn liền với DAO. Nó trở thành trend thu hút nhà đầu tư đổ tiền vào đó. Tuy nhiên bản thân nó có nhiều hạn chế.
- Khó thay đổi và có một số vấn đề về bảo mật: Vấn đề về smart contract, một khi DAOs đã được deployed (triển khai) thì rất khó thể thay đổi, các hoạt động phải diễn ra như đúng những gì quy định ở smart contract. Ngoài ra bảo mật của smart contract cũng là 1 vấn đề quan trọng điển hình là vụ The DAO hack.
- Không có khung pháp lý rõ ràng: Khung pháp lý dành cho DAO thật sự chưa rõ ràng. Nếu DAO không có tính thuyết phục về pháp lý sẽ tạo ra một rào cản lớn đối với việc áp dụng DAO bởi người tham gia sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.
- Đưa ra quyết định tệ hại: DAOs cho phép thành viên biểu quyết 1 cách dân chủ. Nhiều quyết định mang tính phức tạp và học thuật nhưng nhiều người biểu quyết có thể không hiểu, hoặc không biết họ đang biểu quyết cho vấn đề gì. Điều này có thể dẫn tới những quyết định tệ hại bởi đa số mọi người không có kiến thức về các quyết định liên quan.
- Thường phản ứng chậm hoặc bị trì hoãn: Ngoài ra trong những trường hợp khẩn cấp, việc phải có thời gian chờ để được bỏ phiếu thông qua có thể sẽ tạo hệ quả xấu cho DAO. Ví dụ trong trường hợp của Maker khi thị trường sập hồi tháng 3/2020, nếu lúc đó còn đợi để vote xong mới triển khai các biện pháp thì thiệt hại về tài sản sẽ là rất lớn.
- Mọi thứ đều bị tiết lộ: Mọi thứ đều minh bạch on-chain cũng không hoàn toàn là một điều tốt, việc các đề xuất phải được đưa on-chain để biểu quyết rồi mới được thực hiện đồng nghĩa với việc kế hoạch phát triển được công khai hoàn toàn và đối thủ cạnh tranh có thể biết được hướng đi tương lai của dự án.
- Vẫn tồn tại một số thực thể có quyền chi phối - Centralized entity: Một thực thể, tổ chức có sức mạnh voting cao hơn các thành viên khác. Tạo nên cảm giác centralized ngay trong việc voting của protocol.
Ta có thể lấy ví dụ về dự án Uniswap, đã có đề xuất bán một lượng token UNI trị giá 20 triệu đô để làm quỹ cho “DeFi Education Fund” với mục đích lobby với các nhà làm luật. Tuy nhiên, điều đáng nói là cộng đồng Uniswap gần như không biết về đề xuất này mãi cho đến ngày cuối, và kể cả đã có người phán ứng thì số vote “Yes” là quá lớn, chứng tỏ mức độ Centralized trong việc quản trị của Uni.
Tương lai của DAO?
Về mặt công nghệ, DAO có thể phát triển theo hướng meta-DAO nơi DAO này có thể tham gia điều phối hoạt động của các DAO khác. Điều này sẽ mở ra cơ hội phát triển và hợp tác để tạo ra siêu ứng dụng DAO.
Trước mắt DAO còn một chặng đường dài trước khi nó đạt được sự chấp nhận hoàn toàn chính thống. Không phải tất cả các DAO đều hoạt động hiệu quả. Trên thực tế, gần như hầu hết các dự án DAO sẽ không hoạt động sau một khoảng thời gian.
Cũng giống việc đầu tư tiền điện tử luôn có khả năng giá trị của governance token cho một DAO có thể bằng không. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm cho rằng DAO sẽ là “big trend” tiếp theo của thị trường tiền điện tử.
Nguồn tham khảo: