Giải thích đầy đủ về Tokenomics - Mô hình nền kinh tế
Tokenomics là gì?
Tokenomics là thuật ngữ được ghép từ hai từ Token (Tiền mã hóa) và Economics (Kinh tế học). Tokenomics mô tả các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng và giá trị của token.
Thông thường, mỗi dự án tiền mã hóa sẽ phát hành token và xây dựng cho riêng mình một nền kinh tế với token đóng vai trò trung tâm. Do đó có thể coi Tokenomics là một bản thiết kế cho nền kinh tế, trong đó mô tả cách thức các thành phần kinh tế xung quanh token được xây dựng và áp dụng vào mô hình hoạt động của dự án đó.
Lưu ý, từ “token” ở đây đề cập đến cả tiền mã hóa và token.
Ví dụ về tokenomics?
Các dự án blockchain thiết kế các quy tắc xung quanh token, để khuyến khích hoặc ngăn cản các hành động khác nhau của người dùng. Điều này tương tự như cách các ngân hàng trung ương in tiền và thực hiện các chính sách tiền tệ để khuyến khích hoặc giảm bớt chi tiêu, cho vay, tiết kiệm và sự di chuyển của dòng tiền. Không giống như tiền pháp định, các quy tắc của tokenomics được lập trình sẵn trong mã nguồn hoặc hợp đồng thông minh - smart contract, do đó nó có sự minh bạch, có thể dự đoán được và khó thay đổi.
Hãy lấy bitcoin làm ví dụ. Tổng nguồn cung bitcoin được lập trình sẵn là 21 triệu đồng. Cách bitcoin được tạo và đi vào lưu thông là bằng cách đào/khai thác. Các thợ đào được tặng một số bitcoin như một phần thưởng khi một khối được đào sau mỗi 10 phút hoặc lâu hơn.
Phần thưởng, còn được gọi là trợ cấp khối, giảm một nửa sau mỗi 210.000 khối. Theo lịch trình này, việc giảm một nửa phần thưởng diễn ra sau mỗi 4 năm. Kể từ ngày 03/01/2009, khi khối đầu tiên, hoặc khối nguyên thủy, được tạo trên mạng Bitcoin, việc giảm một nửa phần thưởng đã diễn ra ba lần - từ 50 BTC xuống 25 BTC, 12,5 BTC và hiện tại là 6,25 BTC.
Dựa trên các quy tắc này, thật dễ dàng để tính toán rằng khoảng 328.500 bitcoin sẽ được đào vào năm 2022 bằng cách chia tổng số phút trong năm cho 10 (vì một khối được đào cứ sau 10 phút) và sau đó nhân với 6,25 (vì mỗi khối cho ra 6,25 BTC làm phần thưởng). Do đó, số lượng bitcoin được đào mỗi năm có thể được dự đoán và bitcoin cuối cùng dự kiến sẽ được khai thác vào khoảng năm 2140.
Tokenomics của Bitcoin cũng bao gồm việc thiết kế phí giao dịch mà các thợ đào nhận được khi một khối mới được xác thực. Phí này được thiết kế để tăng lên khi quy mô giao dịch và việc tắc nghẽn mạng gia tăng. Nó giúp ngăn chặn các giao dịch spam và khuyến khích các thợ đào tiếp tục xác thực các giao dịch ngay cả khi trợ cấp khối tiếp tục giảm.
Tóm lại, tokenomics của Bitcoin rất đơn giản nhưng tinh tế. Mọi thứ đều minh bạch và có thể đoán trước được. Các ưu đãi xung quanh Bitcoin giữ cho những người tham gia được đền đáp khi giữ cho mạng hoạt động mạnh mẽ và mang lại giá trị như một loại tiền mã hóa.
Tầm quan trọng của Tokenomics?
Đối với các dự án tiền mã hóa, một tokenomics được thiết kế tốt là một yếu tố rất quan trọng để gọi vốn và thành công trong các chiến lược dài hơi.
Đối với nhà đầu tư, ngoài việc xem xét white paper, đội ngũ sáng lập, lộ trình và sự phát triển của cộng đồng, tokenomics là trọng tâm để đánh giá triển vọng tương lai của một dự án blockchain. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để nhà đầu tư đầu tư vào dự án của bạn.
Có những mô hình Tokenomics nào?
Deflationary model - Mô hình giảm phát
Bitcoin đã thiết lập tiêu chuẩn cho mô hình giảm phát. Trong mô hình này, có một số lượng token được thiết lập sẽ được tạo ra trong tương lai, con số này là một giới hạn và không được điều chỉnh để tăng lên. Điều này tạo ra một loại tiền tệ giảm phát mà ngay cả khi cầu tăng lên, thì cung không tăng.
Ví dụ: Bitcoin (BTC), Cardano (ADA)
Ưu điểm: Nguồn cung cấp token hạn chế tạo ra nhu cầu tự nhiên khi nguồn cung giảm dần và loại bỏ nỗi lo lạm phát ảnh hưởng đến đến giá trị của token.
Nhược điểm: Có một số câu hỏi đặt ra ở đây rằng liệu cơ cấu khuyến khích trong mô hình giảm phát cuối cùng có dẫn đến sự sụp đổ của nó hay không. Vì có giới hạn về số lượng token được tạo ra, người dùng sẽ tích trữ token chứ không phải tiêu chúng. Nếu không có đủ chi tiêu, hầu hết token sẽ không còn lưu thông và bản thân token sẽ trở thành vô nghĩa.
Inflationary model - Mô hình lạm phát
Trong mô hình này, token sẽ liên tục được mint theo thời gian, không giới hạn số lượng token có thể được tạo. Có những biến thể về mô hình token lạm phát, với một số token giới hạn việc tạo ra token mới hàng năm và những token khác sẽ dựa trên một lịch trình đã định trong thời gian dài. Mô hình này gần giống với tiền tệ pháp định nhất. Nhưng vì token được một cộng đồng phi tập trung quyết định chứ không phải là một thực thể tập trung, nên có vẻ nó hiệu quả và minh bạch hơn.
Ví dụ: Ethereum (ETH), EOS (EOS)
Ưu điểm: Mô hình này được biết đến và nghiên cứu nhiều nhất bởi nó gần giống với mô hình của tiền tệ pháp định. Do đó, có ít câu hỏi xung quanh khả năng tồn tại của mô hình này vì nó đã được chứng minh từ trước.
Nhược điểm: Nó không khác gì một cái máy in tiền. Điều này làm token mất giá.
Duel-token model - Mô hình song song
Trong mô hình này, hai loại token riêng biệt sẽ được sử dụng để tạo ra một cấu trúc kinh tế tốt hơn. Nhiều dự án vận hành bằng cách cho phép một token hoạt động dưới dạng lưu trữ để sinh ra token khác - token thứ cấp. Đây là mô hình mà bạn thường thấy trong các dự án DeFi. Các token thứ cấp này được sử dụng như một dạng token tiện ích trong hệ sinh thái của dự án, trong khi vẫn có thể trao đổi trên các sàn giao dịch.
Ví dụ: VeChain (VET/VTHO), Ontology (ONT/ONG)
Ưu điểm: Tạo hai token cho hai mục đích sử dụng khác nhau có thể là mô hình khuyến khích kinh tế tốt nhất cho tiền điện tử vì nó tách biệt động cơ tài chính với tiện ích.
Nhược điểm: Bản chất phức tạp của mô hình này khiến nhà đầu tư khó hiểu: Nên giữ token nào? Token nào là khoản đầu tư tốt hơn?
Asset-backed model - Mô hình tài sản đảm bảo
Một số loại tiền điện tử đã chọn cách sao lưu token của họ vào một tài sản khác. Trong mô hình được hỗ trợ bởi tài sản này, token sẽ được tạo ra dựa trên giá trị của các tài sản đảm bảo cơ bản của nó. Nổi tiếng nhất (và gây nhiều tranh cãi) trong các token hoạt động theo cơ chế này là USDT - Tether. Theo cơ chế của Tether thì mỗi USDT được sinh ra thì đồng nghĩa với $1 được gửi vào ngân hàng dự trữ. Bạn có thể đổi tiền của mình bằng cách yêu cầu các công ty phụ trách Stablecoin chuyển lượng tiền mặt tương đương từ tiền dự trữ của bạn vào tài khoản ngân hàng của bạn. Đồng thời, số lượng Stablecoin tương ứng sẽ phá hủy hoặc bị xóa khỏi lưu thông.
Ví dụ: Tether (USDT), Dai (DAI).
Ưu điểm: Token được hỗ trợ bằng tài sản có thể tạo ra các tài sản kỹ thuật số ổn định, loại bỏ sự biến động không mong muốn trong tiền điện tử.
Nhược điểm: Mô hình này có nhiều điểm thiếu minh bạch. Mà tiêu biểu là có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh hoạt động của Tether - USDT trong đó có cáo buộc rằng Tether đã khai báo sai con số dự trữ thực tế mà công ty này đang nắm giữ.
Các yếu tố chính của Tokenomics
Dưới đây là một số yếu tố quan trọng nhất cần quan tâm khi xem xét tokenomics của một loại tiền mã hóa.
Token Suply - Nguồn cung token
Cung và cầu là những yếu tố chính ảnh hưởng đến giá của bất kỳ hàng hóa hoặc dịch vụ nào. Tiền mã hóa cũng như vậy. Có một số chỉ số quan trọng đo lường nguồn cung token:
Max Supply (Cung tối đa) sẽ xác định lượng số lượng token tối đa sẽ tồn tại, bao gồm cả những token sẽ được khai thác hoặc có sẵn trong tương lai.
Bitcoin có nguồn cung tối đa là 21 triệu đồng. Litecoin là là 84 triệu đồng và BNB có nguồn cung tối đa là 200 triệu. Một số token không có nguồn cung tối đa, ví dụ nguồn cung ETH tăng lên hàng năm. Các stablecoin như USDT, USD Coin (USDC) và Binance USD (BUSD) không có nguồn cung tối đa vì những đồng này được phát hành dựa trên nguồn dự trữ hỗ trợ cho đồng tiền.
Total Supply (Tổng cung) được định nghĩa là tổng số lượng coin/token đang lưu thông và đang bị khóa trừ đi số lượng coin/token đã bị đốt. Ban đầu, Total Supply sẽ là con số được thiết kế bởi đội ngũ phát triển dự án sao cho phù hợp với mô hình vận hành nhất.
Chi tiết hơn, Total Supply sẽ có những dạng sau:
+ Tổng cung cố định là số lượng coin/token được định sẵn ban đầu và không thể thay đổi. Ví dụ: Tổng cung của Bitcoin là 21 triệu BTC, Tổng cung của Uniswap là 1 tỷ UNI,...
+ Tổng cung không cố định là số lượng coin/token có thể thay đổi tùy thuộc vào hoạt động của dự án, và được chia thành các nhóm sau:
- Tổng cung tăng dần do được mining ra thêm. Ví dụ: Số ETH trên thị trường sẽ phụ thuộc vào hiệu suất hoạt động của mạng lưới Ethereum, CAKE sẽ được mint khi người dùng Farm trên Pancakeswap,...
- Tổng cung giảm dần do bị đốt. Ví dụ: BNB có tổng cung ban đầu là 200 triệu BNB và được đốt dần còn 100 triệu BNB,...
- Tổng cung thay đổi liên tục do cơ chế Issue-Burn. Ví dụ: Chủ yếu là các Stablecoin như Algorithmic Stablecoin (FEI, AMPL,...), Crypto-backed Stablecoin (DAI, VAI,...), Centralized Stablecoin (USDT, USDC,...).
Về cơ bản, bạn sẽ thấy Total Supply sẽ ăn khớp với các mô hình Tokenomics bên trên.
Circulating Supply (Cung lưu thông) đề cập đến số lượng token đang lưu hành trên thị trường.
Token Governance - Cơ chế quản trị
Hiện tại trên thị trường có khoảng 10,000 coin và token. Tuy nhiên không phải bất cứ token nào cũng theo cơ chế Decentralized như Bitcoin, sẽ có những token/coin được quản trị theo cơ chế Centralized.
Về cơ bản có thể phân chia chúng thành sẽ phân ra 3 loại:
Centralized: là những coin/token có cơ chế quản trị do một tổ chức đứng đầu quyết định, họ có quyền tác động lên tính chất của coin hoặc dự án mà token đó đại diện cho. Thường đây là những dự án Full-backed stablecoin như Tether, TrueUSD; các token của sàn giao dịch như Huobi, FTX, hoặc các dự án có mô hình quản trị Centralized như Ripple,...
Decentralized: là những coin/token có cơ chế quản trị hoàn toàn do cộng đồng quyết định và không bị áp lực quản trị bởi bất kỳ tổ chức nào. Ví dụ: Bitcoin, Ethereum,...
Centralized -> Decentralized: Đây là những coin/token được xây dựng với cơ chế quản trị ban đầu là Centralized, sau đó được phân quyền dần cho cộng đồng. Ví dụ: BNB ban đầu được quản trị hoàn toàn bởi Binance. Tuy nhiên sau một thời gian ra mắt Binance Smart Chain và chương trình “Validator Spotlight”, Binance đã dần phi tập trung hóa mạng lưới BSC và BNB token cho người dùng kiểm soát. Định nghĩa DAO - Decentralized Autonomous Organization - tổ chức tự trị phi tập trung bắt nguồn từ đây.
Token Allocation - Cơ chế phân bổ
Dưới đây là cơ chế token allocation của một số coin/token trên thị trường mà bạn có thể tham khảo:
Team
Đây là phần token dành cho đội ngũ phát triển dự án. Trong đây sẽ bao gồm lượng token của những thành viên đóng góp giá trị cho dự án như founder, developer, marketer, advisor,... Con số lý tưởng nhất thường là khoảng 20% tổng cung.
- Nếu tỷ lệ này quá thấp, đội ngũ dự án sẽ không có động lực để phát triển dự án lâu dài.
- Nếu tỷ lệ này quá cao, cộng đồng sẽ không có động lực hold token của dự án đó, vì token đang bị chi phối quá nhiều bởi một thực thể. Điều này gây ra một số vấn đề như tập trung quyền lực, khả năng bị làm giá cao.
Ngoài ra, bạn cũng nên xem lịch trình khóa và phát hành của token để xem liệu một số lượng lớn token có được đưa vào lưu thông hay không. Điều này tạo ra áp lực giảm giá cho token.
Foundation Reserve
Reserve là khoản dự trữ của dự án để phát triển sản phẩm hoặc các tính năng cho tương lai. Đây là khoản token không có quy định số lượng cụ thể, thông thường nó sẽ chiếm từ 20-40% tổng cung.
Liquidity Mining
Liquidity Mining là dạng phân bổ xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây, nhất là sau khi các dự án DeFi phát triển mạnh mẽ từ hồi tháng 9/2020 cho đến nay. Liquidity Mining chính là khoản token được mint ra như phần thưởng cho những người dùng cung cấp thanh khoản cho các giao thức DeFi.
Seed / Private / Public sale
Đây là số lượng token dành cho các đợt mở bán huy động vốn để phát triển sản phẩm. Thông thường dự án sẽ có ba đợt mở bán là Seed sale, Private sale và Public sale (chi tiết trong mục Token Sale).
Airdrop / Retroactive
Để dự án thu hút được người dùng ban đầu, họ thường sẽ airdrop cho người dùng một phần rất nhỏ token allocation của dự án. Thông thường sẽ chiếm khoảng 1-2% tổng cung.
Khoảng năm 2019 trở về trước, để nhận được Airdrop, người dùng chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản như Like, Follow, Retweet các post trên trang Twitter của họ.
Tuy nhiên từ năm 2020, các điều kiện để nhận Airdrop khó hơn khá nhiều, yêu cầu người dùng phải “skin in the game”, sử dụng sản phẩm để có thể nhận Airdrop hay Retroactive. Một số Retroactive điển hình có thể kể đến như Uniswap (UNI), 1Inch Network (1INCH),...
Other Allocation
Tùy theo mỗi dự án mà họ sẽ có một phần Allocation dành cho một trường hợp cụ thể, đó có thể là Marketing, Strategic Partnership,... Thông thường Allocation tỷ trọng nhỏ và có thể bao gồm trong Foundation Reserve.
Điểm khác biệt qua hai chu kỳ:
- 2017-2018: Public Sale chiếm hơn 50%, Insider chiếm ít. Ví dụ: ADA, ETH, XTZ, ATOM,...
- 2019 trở đi: Public Sale chiếm từ 20 - 30%, Insider chiếm tỷ trọng lớn nhất. Ví dụ: NEAR, AVAX, SOL,...
Trong đó:
- Public Sale là lượng token được mở bán cho cộng đồng.
- Insider bao gồm đội ngũ phát triển, các quỹ đầu tư,...
Điều này có thể giải thích vì trước đây, token của các dự án không được ứng dụng nhiều trong hệ sinh thái và họ cần có nguồn vốn để có thể phát triển dự án. Còn ở thời điểm hiện tại, thị trường đã có sự xuất hiện của quỹ đầu tư lớn và token được ứng dụng nhiều trong nền tảng. Chính vì thế Insider và Foundation sẽ chiếm lượng lớn token có trên thị trường.
Ngoài ra, khi xem xét kế hoạch phân bổ, ta cũng cần để ý tới các cách mà dự án cung cấp và phân phối token, đó là: phân phối công bằng và phân phối trước khi khai thác.
- Phân phối công bằng: trong trường hợp này, nhà đầu tư không có quyền truy cập sớm hoặc phân bổ riêng trước khi token được đúc và phân phối cho công chúng. BTC và Dogecoin là những ví dụ điển hình.
- Phân phối trước khai thác: một phần tiền mã hóa được đúc và phân phối cho một nhóm nhà đầu tư sớm, trước khi token được cung cấp rộng rãi cho công chúng. Ethereum và BNB là hai ví dụ về kiểu phân phối như vậy.
Nhìn chung, nếu là một nhà đầu tư, bạn cần chú ý đến cách phân phối của một token. Nếu tổ chức lớn nắm giữ một phần quá lớn của token dủa dự án thì đây có thể coi là một rủi ro. Việc phần lớn token được nắm giữ bởi các nhà đầu tư kiên nhẫn và đội sáng lập sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn và giúp cho dự án có được thành công lâu dài.
Token Release - Kế hoạch phân phối
Token Release là kế hoạch phân phối token ra thị trường lưu thông của một dự án. Tương tự như Token Allocation, Token Release ảnh hưởng rất lớn đến giá của token cũng như động lực nắm giữ dài hạn token của cộng đồng. Hiện tại trên thị trường có 2 kiểu phân bổ token:
Phân bổ token theo lịch trình định sẵn - Vesting
Mỗi dự án khác nhau sẽ có lịch trình ra phân bổ token khác nhau - quá trình này gọi là Vesting. Về cơ bản thì có thể phân loại thành các quãng thời gian như sau:
Dưới 1 năm: Các dự án có tốc độ release 100% token dưới 1 năm thể hiện đội ngũ của dự án không đồng hành lâu dài với sản phẩm họ xây dựng, và không thể tạo ra nhiều giá trị cho nền tảng cũng như token đó.
Từ 3 - 5 năm: Đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất để release 100% token, bởi vì thị trường crypto có tốc độ thay đổi rất nhanh. Kể từ khi được “Mainstream” - trở thành xu hướng chủ đạo vào năm 2017 cho đến nay, thị trường crypto cũng mới chỉ trải qua khoảng thời gian 5 năm.
Trong mỗi năm, thị trường đã chứng kiến sự đào thải của nhiều dự án không hiệu quả và sự ra mắt của nhiều dự án tiềm năng hơn. Chính vì thế 3 - 5 năm là con số lý tưởng nhất để thúc đẩy động lực phát triển của team, cũng như động lực hold token từ cộng đồng.
Trên 10 năm: Ngoại trừ Bitcoin, thì các dự án có token release schedule lên đến 10 năm sẽ khó tạo động lực cho holder, bởi vì họ chịu sự lạm phát của token lên đến 10 năm và không ai đảm bảo rằng đội ngũ sẽ hoạt động hiệu quả trong khoảng thời gian đó.
Ngoài ra, số lượng token release phải được thiết kế để có thể cân bằng giữa 2 yếu tố sau:
- Quyền lợi của token holder khi hold token của nền tảng đó.
- Giá trị của số token được release mỗi ngày (lạm phát).
Nếu như số lượng token bị release quá nhanh so với hiệu suất hoạt động của dự án, giá token sẽ có xu hướng giảm do người dùng không có động lực để nắm giữ token.
Phân bổ token theo hiệu suất và nhu cầu sử dụng
Để giải quyết vấn đề lạm phát xảy ra quá nhanh so với kế hoạch ban đầu. Một số dự án đã chọn release token theo một tiêu chí cụ thể chứ không theo thời gian định sẵn nữa. Đây là cơ chế khá hay vì nó sẽ giúp ổn định giá của token hơn nếu như được áp dụng một cách hợp lý.
Mô hình của Maker - MKR là một ví dụ. MKR là một token ERC-20 chạy trên blockchain Ethereum và nó có thể được đúc thêm hoặc đốt đi phụ thuộc vào sự ổn định của DAI - stable coin phi tập trung.
Token Sale - Kế hoạch mở bán
Token sale có thể xem là hình thức huy động vốn thông qua việc mở bán cổ phần tương tự các công ty trong thị trường truyền thống. Tuy nhiên, ở thị trường crypto, cổ phần sẽ được thay thế bằng token.
Nếu như các công ty truyền thống có khoảng 5 đợt gọi vốn, thì các dự án trong Crypto sẽ có khoảng 3 đợt mở bán token để gọi vốn. Thông thường giá trị định giá của công ty sẽ không cụ thể đối với từng ngành nghề, khu vực và quy mô. Tuy nhiên ở Series C, các công ty lớn mạnh hoàn toàn có thể định giá bản thân từ 100 triệu đô trở lên.
- Traditional Company: Pre-seed, Seed, Series A, Series B, Series C.
- Crypto Project: Seed Sale, Private Sale, Public Sale.
Đối với thị trường crypto, mức định giá trung bình sẽ thấp hơn vì đây là thị trường còn tương đối mới và có marketcap nhỏ hơn nhiều so với thị trường cổ phiếu của một số nước lớn.
Seed sale
Seed sale là đợt mở bán token đầu tiên của dự án. Trong đợt mở bán này, đa số dự án đều chưa hoàn thiện sản phẩm. Có một số dự án mở bán token xem như hình thức gọi vốn để triển khai. Các quỹ đầu tư vào Seed sale đa số là những quỹ đầu tư mạo hiểm, họ chấp nhận rủi ro cao nhưng cũng sẽ được phần thưởng xứng đáng nếu như dự án thành công.
Vì mục tiêu chính ở vòng này là để có tiền để chuẩn bị cho các bước trong tiến trình ICO. Do đó, số tiền gọi vốn ở vòng này sẽ nhỏ, ước chừng chỉ khoảng $10K - $40K. Ngoài ra, vì lượng vốn cần huy động tương đối nhỏ nên nếu bạn có khả năng về tài chính thì có thể bỏ qua nó. Seed sale chỉ thực sự cần nếu dự án không có đủ tiền để kickstart ICO.
Private sale
Private sale là một đợt bán hàng bổ sung trước khi bán công khai - public sale. Đây là bước không bắt buộc. Thông thường ở giai đoạn này, các dự án đã ra mắt sản phẩm và chứng minh được một phần thành tích của mình sau khi đã gọi vốn ở vòng Seed sale.
Nếu như Seed sale chủ yếu là những quỹ đầu tư mạo hiểm, thì Private sale sẽ có sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư lớn và có tiếng hơn. Để tham gia vào giai đoạn này, người dùng phải đăng ký để ghi danh vào whitelisted. Điều kiện để whitelisted thường là người dùng sẽ phải đăng ký tham gia, sau đó được chọn ngẫu nhiên theo kiểu sổ số và luôn luôn có thời hạn để kết thúc whitelist.
Ngoài ra, do đặc điểm vốn có của private sale là giá sẽ thấp hơn public sale trong khi đối tượng tiếp cận sẽ mở rộng hơn seed sale nên bạn có thể thiết kế private sale như một công cụ để dự án tiếp cận đến người dùng và nhà đầu tư tiềm năng thông qua các hình thức như Airdrop, Retroactive, Competition...
Public sale
Public sale là đợt mở bán token cho cộng đồng. Thời gian cho public sale rất giới hạn. Dự án có thể launch token dưới hình thức ICO như năm 2017, hoặc launch token nhờ vào những bên thứ ba dưới hình thức IEO hoặc IDO.
- ICO: là hình thức phổ biến nhất và được biết đến sớm nhất(từ 2013 - Mastercoin). Với hình thức này, bạn sẽ là người đạo diễn và tổ chức tất cả mọi thứ: KYC, gọi vốn từ các nhà đầu tư, phát hành token, tạo smartcontract, marketing, danh sách Whitelist...
- IEO: với hình thức này, hầu hết các công việc sẽ được xử lý bởi một sàn giao dịch tập trung - centralized exchange. IEO được biết đến lần đầu tiên vào tháng 1/2019 - Bitorrent.
Ưu điểm của IEO là token sẽ list lên sàn ngay lập tức và có thanh khoản ngay sau khi launch. Ngoài ra, sàn giao dịch có thể thu hút một số lượng lớn người dùng cho dự án của bạn nên có thể IEO thì sức hút của dự án của bạn sẽ tăng lên nhiều lần.
Nhược điểm của IEO là chi phí lớn, một số sàn yêu cầu khoảng $250K để có thể list lên sàn. - IDO: đây là hình thức tương đối mới mẻ, lần đầu xuất hiện vào năm 2019 - dự án Raven Protocol trên Binance DEX. Khác với IEO, IDO là hình thức bán ra token lần đầu trên sàn phi tập trung - decentralized exchange. Hình thức này còn gắn liền với các launchpads - nền tảng hỗ trợ dự án thực hiện token sale. Nguyên nhân là do launchpad có kinh nghiệm marketing và có rất nhiều mối quan hệ với nhà đầu tư do đó nó có thể hỗ trợ được dự án có thể thực hiện bán ra lần đầu token hiệu quả hơn.
- Mixed launch: là hình thức kết hợp ICO, IDO, IEO với mục tiêu tối đa hóa khả năng tiếp cận đến các đối tượng nhà đầu tư khác nhau, các hình thức có thể bao gồm: bán trực tiếp cho nhà đầu tư, bán một phần trên launchpads, list lên các sàn giao dịch.
Hình thức này sẽ phức tạp hơn và sẽ phù hợp với các dự án lớn với đội ngũ mạnh , có được sự hỗ trợ lớn từ cộng đồng / nhà đầu tư và công nghệ phải thật tốt. Thực hiện Mixed launch khá khó khăn vì nó liên quan đến việc đàm phán với nhiều bên cùng một lúc. Do đó, nó không phù hợp cho bạn nếu bạn là người mới bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này.
Soldex là một ví dụ cho hình thức launch này. Đội ngũ của Soldex thực hiện 3 vòng private sales dưới dạng ICO, sau đó họ tiếp tục cộng tác với 4 launchpads khác (Lightning, Trustpad, Synapse Network, NFTPAD) và list lên sàn centralized. Tổng cộng họ gọi được $9M cho dự án của mình.
Fair token distribution
Tuy nhiên cũng có nhiều dự án không mở bán thông qua bất kỳ hình thức nào kể trên, mà sẽ được phân phối thông qua các hoạt động như Testnet, Airdrop, Staking, Liquidity Providing,... Điều này giúp dự án trở nên “bình đẳng” hơn đối với cộng đồng quan tâm và tiếp cận được người dùng nhiều hơn.
Một số Fairlaunch Project nổi bật có thể kể đến như: Uniswap (UNI), Sushiswap (SUSHI), Yearn Finance (YFI),... Họ không mở bán token dưới bất kỳ hình thức nào để raise fund trước mà sẽ phân phối token cho những người dùng thực sự của nền tảng. Nhờ đó token được phân phối cho những người đóng góp giá trị cho dự án, giảm tình trạng “dump” sâu do người người mua Seed sale và Private sale “xả” token. Nhưng điều này có thể khiến dự án “bỏ lỡ” một phần vốn có thể gọi từ cộng đồng.
Một số lưu ý:
- Không có một quy định cụ thể hoặc mức chuẩn cho sự chênh lệch giá bán giữa các đợt token sale. Đối với một dự án giá Public sale có thể gấp đôi giá Private Sale, giá Private Sale có thể gấp đôi Seed Sale. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào dự án.
Thông thường, họ sẽ giữ mức chênh lệch hợp lý - thường là 10 - 15%. Bởi vì nếu như giá bán mỗi đợt có sự chênh lệch quá cao, những nhà đầu tư đến trước sẽ có xu hướng chốt lời sớm, ngược lại, những nhà đầu tư ở vòng sau sẽ không có động lực tham gia mở bán.
Chính vì thế, bạn nên áp dụng thêm cơ chếkhi release token để phân bổ quyền lợi hợp lý giữa các nhà đầu tư - vesting. Ví dụ những nhà đầu tư đến trước phải chịu thời gian lock lâu hơn vì họ mua ở giá rẻ hơn. Ngược lại, những nhà đầu tư mua với giá cao hơn sẽ được unlock token sớm hơn. - Trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng không được công khai việc ưu đãi cho chỉ một vài nhóm nhà đầu tư so với phần còn lại trong cùng một vòng gọi vốn. Bởi "không ai muốn là người tham gia bữa tiệc muộn" nên hãy tạo cho họ cảm giác họ vẫn còn cơ hội để đầu tư.
- Giữ size của private sale nhỏ hơn so với public sale. Bởi nếu private sale quá lớn và hầu hết mọi thứ được chốt xong trong giai đoạn này khì sẽ không tạo ra được hứng thú với những nhà đầu tư tiềm năng trong public sale.
- Không nhất thiết phải tuân thủ thứ tự seed -> private -> public sale. Nhiều dự án thậm chỉ chỉ public sale mà không thực hiện các bước trước đó mà vẫn thành công. Bạn có thể chọn các giai đoạn token sale sao cho nó phù hợp với kế hoạch lâu dài của bạn.
- Bạn nên rõ ràng và minh bạch về mọi khía cạnh của token sale trong đó bao gồm cả việc trả lời câu hỏi: "Tại sao chọn kế hoạch token sale này?" và "Cụ thể thì nó như thế nào?"
Token Deflationary - Cơ chế hạn chế lạm phát
Phần thưởng dành cho người khai thác và phần thưởng đến từ staking có thể lạm phát nguồn cung. Ngoài ra, một yếu tố lạm phát nguồn cung quan trọng khác chính là việc phân phối token để làm động lực để phát triển hệ sinh thái của tiền điện tử. Khi lạm phát xảy ra, giá trị của token đi xuống. Điều này sẽ làm giảm ham muốn nắm giữ token của nhà đầu tư và có thể dẫn đến việc bán tháo token và giá giảm liên tục ngay cả khi tổng quan thị trường đang đi lên.
Để hạn chế điều này, nhiều dự án tiền mã hóa thường xuyên đốt token, việc này sẽ giúp đưa một lượng token ra khỏi lưu thông vĩnh viễn.
Ví dụ: BNB áp dụng việc đốt tiền để loại bỏ một lượng BNB ra khỏi lưu thông và làm giảm tổng nguồn cung. Với 200 triệu BNB được khai thác trước, tổng nguồn cung của BNB là 165.116.760 tính đến tháng 6 năm 2022. BNB sẽ đốt tiền cho đến khi 50% tổng nguồn cung bị phá hủy, có nghĩa là tổng nguồn cung của BNB sẽ giảm xuống còn 100 triệu trong tương lai.
Tương tự, Ethereum bắt đầu đốt ETH vào năm 2021 để giảm tổng nguồn cung của nó. Ngay sau khi ETH thông báo đốt đi một lượng token, giá của nó trên các sàn giao dịch đã tăng đột biến.
Avalanche (AVAX) là một ví dụ khác, nó có nguồn cung cấp tối đa là 720 triệu token và cứ mỗi giao dịch sẽ có một lượng AVAX bị đốt cháy. Kết quả là số lượng token AVAX sẽ giảm dần theo thời gian. Điều này giúp AVAX tăng tính khan hiếm và sẵn sàng cho việc tăng giá.
Token Use Case - Khả năng sử dụng thực tế
Token muốn có giá trị thì phải có thể sử dụng trong nhiều tình huống - hay nói cách khác token phải có nhiều tiện ích dành cho người sử dụng/nhà đầu tư.
Ví dụ: tiện ích của BNB bao gồm việc tạo ra năng lượng cho BNB Chain, thanh toán phí giao dịch và hưởng chiết khấu phí giao dịch trên BNB Chain và đóng vai trò là token tiện ích cộng đồng trên hệ sinh thái BNB Chain. Người dùng cũng có thể stake BNB với các sản phẩm khác nhau trong hệ sinh thái để kiếm thêm thu nhập.
Có nhiều trường hợp sử dụng khác cho các token. Token quản trị cho phép chủ sở hữu bỏ phiếu về các thay đổi đối với giao thức của token. Stablecoin được thiết kế để sử dụng như một loại tiền tệ. Mặt khác, token chứng khoán đại diện cho tài sản tài chính. Ví dụ: một công ty có thể phát hành cổ phiếu dạng token trong đợt Phát hành tiền mã hóa lần đầu (ICO), các token này cấp cho chủ sở hữu quyền sở hữu và cổ tức.
Những yếu tố này có thể giúp bạn xác định các trường hợp sử dụng tiềm năng cho token, điều này rất cần thiết để hiểu nền kinh tế của token có thể sẽ phát triển như thế nào.
Thông thường token sẽ có những chức năng sau:
Staking
Hiện tại đa số các dự án đều hỗ trợ Staking đối với các native token của mình. Điều này tạo động lực cho người dùng nắm giữ token vì được phân phối thêm token như phần lãi. Nếu như không có cơ chế Staking, token holder sẽ phải chịu sự lạm phát vì mỗi ngày. Bởi số token của họ là không đổi trong khi mỗi ngày đều có một số lượng token mới được mint ra cung lưu thông.
Ngoài ra, Staking cũng có thêm một lợi ích là giúp số lượng token lưu thông trên thị trường giảm đi, điều này làm giảm đi áp lực bán giúp giá dễ tăng trưởng hơn. Đối với các mạng lưới dùng cơ chế Proof-of-Stake, số lượng token được stake tăng lên cũng giúp mạng lưới trở nên phi tập trung hơn và an toàn hơn.
Ví dụ: Cardano (ADA) là tăng trưởng từ $0.2 lên $2 (tăng trưởng 1,000%) kể từ đầu năm 2021. Theo lý thuyết, để tăng trưởng được như thế, lượng vốn hóa đổ vào Cardano phải gấp 10 lần.
Tuy nhiên, trên thực tế lại không như vậy, con số vốn hóa đổ vào Cardano thấp hơn rất nhiều. Điều khiến Cardano tăng trưởng mạnh thế đến là do 75% số Cardano đang lưu hành đã được Stake, điều này giúp áp lực bán ADA trên thị trường thấp, tạo động lực cho ADA tăng trưởng.
Liquidity Mining (Farming)
Đối với các DeFi token xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Người dùng có thể sử dụng chúng để cung cấp thanh khoản cho các giao thức DeFi, ngược lại họ sẽ được thưởng native token của dự án.
Ví dụ: Cung cấp thanh khoản cho Uniswap để nhận UNI, ...
Chi trả phí mạng lưới (Transaction fee)
Để thực hiện một giao dịch, người dùng cần phải trả phí cho mạng lưới, cụ thể hơn là các Validator để họ xác nhận giao dịch giúp mình. Mỗi mạng lưới blockchain sẽ có một native token riêng dùng để trả phí cho mạng lưới (thường là các dự án hoạt động trong lĩnh vực blockchain platform). Ví dụ:
- Ethereum sử dụng ETH.
- Binance Smart Chain sử dụng BNB.
- Solana sử dụng SOL.
- Polygon sử dụng MATIC.
Governance
Phần này mình đã đề cập phía trên, các nền tảng có thể được quản trị theo cơ chế Centralized hoặc Decentralized tùy vào nhà phát triển dự án. Tuy nhiên, đa số các nền tảng DeFi hiện tại đều được quản trị theo cơ chế Decentralized.
Điều này đồng nghĩa các token holder sẽ có thể đề xuất và biểu quyết để tạo nên những sự thay đổi cho nền tảng họ tham gia. Các đề xuất có thể liên quan đến phí giao dịch, tốc độ release token, hoặc những vấn đề lớn hơn, ví dụ như đề xuất cho đội ngũ phát triển dự án để mở rộng sang blockchain mới.
Hiện tại các nền tảng DeFi nổi bật như Uniswap, Sushiswap, Compound,... đều đã áp dụng cơ chế Decentralized Governance cho phép người dùng có thể tham gia quản trị. Tuy nhiên, phần lớn cộng đồng chỉ dừng lại ở quyền hạn Voting (Biểu quyết), chứ chưa thể tạo ra Proposal (Đề xuất) cho nền tảng, vì số lượng token cần để tạo Proposal thường có giá trị rất cao.
Quyền lợi khác (Launchpad,...)
Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp token được lưu thông và tạo động lực lớn để người dùng nắm giữ token. Các dự án Launchpad thông thường sẽ yêu cầu người dùng stake token để có thể tham gia vào các đợt mở bán. Hoặc được quyền lợi tham gia chương trình bốc thăm giải thưởng NFT,...
Ví dụ: Polkastarter yêu cầu hold POLS, DAO Maker yêu cầu hold DAOS,...
Token Incentives - Cơ chế khuyến khích
Cơ chế khuyến khích của token rất quan trọng. Việc tokenomics của một dự án có bền vững, lâu dài hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc khuyến khích người dùng. Vì sao?
Lý giải cho điều này rất đơn giản: Để token có giá trị, cần phải có động cơ để người dùng sử dụng hoặc nắm giữ token đó. Sự khuyến khích sẽ tạo ra nhu cầu đối với token, sau đó quyết định giá của token.
Cơ chế khuyến khích người dùng thường bắt nguồn từ việc cung cấp cho người dùng một lợi ích nào đó. Giá trị đó có thể là giá trị về mặt tiền bạc - người tham gia sẽ được nhận tiền thưởng, giá trị xã hội - người tham gia được sử dụng những dịch vụ mà người khác không có được, giá trị tầm nhìn - người tham gia vì có cùng tầm nhìn về một điều gì đó.
Một số ví dụ dưới đây là nguồn thông tin hữu ích cho bạn tham khảo.
Cơ chế Proof of Work của bitcoin giúp cho mạng lưới đảm bảo tính phi tập trung. Nhưng lấy đâu ra máy đào nếu bitcoin không có cơ chế khuyến khích họ tham gia vào làm việc. Vậy là cơ chếtrả thưởng từ phí giao dịch của Bitcoin ra đời. Tất cả các máy đào sẽ được trả thưởng bằng bitcoin nếu họ tham gia xác nhận giao dịch. Đây là ví dụ đầu tiên và cũng là ví dụ minh họa hoàn hảo cho một mô hình hiệu quả.
Một cơ chế đồng thuận khác: Proof of Stake không chỉ khuyến khích máy đào tham gia xác nhận, nó còn ngăn chặn những hành vi tiêu cực gây hại cho mạng lưới. Thiết kế này cho phép người tham gia khóa token của họ để tham gia vào xác thực giao dịch và nhận thưởng. Càng nhiều token bị khóa, cơ hội được chọn làm trình xác thực và nhận phần thưởng xác thực cho các giao dịch càng cao. Điều này cũng có nghĩa là nếu trình xác thực cố gắng làm tổn hại đến mạng, họ sẽ bị phạt và tiền phạt sẽ được trích từ số token mà họ đã bị khóa trước đó. Các tính năng này khuyến khích người tham gia hành động trung thực và giữ cho giao thức hoạt động mạnh mẽ.
Dưới đây là một số Recap quan trọng:
- Tokenomics là tập hợp của nhiều yếu tố bên trong như Token Supply, Token Application, Token Sale, Token Release,...
- Tokenomics là yếu tố quan trọng nhưng không thể tách rời với mô hình hoạt động để có thể đánh giá chính xác hiệu quả và mức độ tăng trưởng của token.
- Tokenomics có thể được “biến tấu” với nhiều cách thiết kế khác nhau. Nhưng anh em hãy tập trung vào doanh thu của nền tảng và cách dự án capture value cho token.
...................................................Tiếp........................................................................
Các bước thiết kế Tokenomics
Thiết kế token hay token design là một công việc cực kỳ quan trọng trong bất cứ dự án tiền mã hóa nào. Bất kể bạn sử dụng blockchain và công nghệ nào để tạo ra token, nếu không có một mô hình Tokenomics được thiết kế tốt, dự án của bạn sẽ không có sức hút với nhà đầu tư và tiềm ẩn những rủi ro thất bại trong tương lai.
Tuy nhiên, thiết kế Tokenomics không phải là một công việc dễ dàng, nó đòi hỏi sự nghiên cứu, công sức, trí tuệ của bạn và đội ngũ.
Bài viết này sẽ giúp bạn làm rõ những khía cạnh khác nhau để thiết kế ra một Tokenomics cho dự án tiền mã hóa của bạn.
Yêu cầu tiên quyết
Đó là bạn phải hiểu về đặc tính và phân loại token
Khi bạn đọc bài này, chắc chắn bạn biết token là gì rồi đúng không? Trong thế giới blockchain, token được sử dụng rất rộng rãi và có nhiều ứng dụng trong thực tế. Tuy nhiên không phải chỉ một loại token là giải quyết hết được các bài toán, mỗi loại token có những đặc tính riêng và khả năng sử dụng khác nhau, cụ thể:
Layer 1 tokens: Layer 1 (lớp thứ nhất) đề cập đến một mạng blockchain cơ sở, chẳng hạn như Bitcoin, BNB Chain hoặc Ethereum. Các blockchain layer 1 có thể xác thực và hoàn thiện các giao dịch mà không cần mạng khác. Nó cũng có token gốc của riêng mình - chính là "layer 1 token - token lớp 1", được sử dụng để thanh toán phí giao dịch.
Layer 2 tokens: Trở lại chút về những năm 2010, cách duy nhất để bạn tạo ra token là tự phát triển một mạng blockchain giống như Bitcoin, Ethereum, BNB Chain đã làm. Đây là một công việc đòi hỏi khối lượng kiến thức rất lớn đặc biệt là vô cùng tốn kém và tốn nguồn lực.
Nhưng bây giờ, bạn hoàn toàn có thể sử dụng các blockchain hiện có để tạo ra token. Những token được tạo ra bằng cách này gọi là "layer 2 token - token lớp 2". Token lớp 2 là những token được xây dựng trên các blockchain hiện có và dĩ nhiên nó không thể hoạt động nếu không có các mạng blockchain cơ sở - layer 1.
Trong nhóm Layer 2 tokens, người ta chia token thành các loại sau:
- Payment tokens: Payment tokens là được sử dụng như một loại tiền tệ, mục đích chính của nó giống như một phương tiện trao đổi, lưu trữ giá trị và đơn vị tài sản. Các loại tiền điện tử chính như Bitcoin và ETH chính là các payment tokens.
- Utility tokens: hay còn gọi là token tiện ích. Đúng như tên gọi, nó cung cấp cho chủ sở hữu một tiện ích nào đó liên quan đến dự án, có thể ở hiện tại hoặc trong tương lai. Chúng có giá trị, nhưng các dự án không tạo ra các token tiện ích cho mục đích đầu tư.
- Security tokens: hay token chứng khoán là một dạng hợp đồng đầu tư ràng buộc pháp lý cho phép người sở hữu nhận được cổ tức, lợi tức từ doanh thu hoặc có tiếng nói trong quá trình ra quyết định kinh doanh. Các Security Token được đảm bảo bằng tài sản của công ty.
- Governance Tokens: là loại token có chức năng quản trị, nó trao cho chủ sở hữu token quyền tác động đến các quyết định liên quan đến giao thức cốt lõi, lộ trình sản phẩm hoặc tính năng, tuyển dụng và nhân sự, cũng như các thay đổi đối với các thông số quản trị của một dự án.
- Non-Fungible tokens: là dạng token đại diện cho tài sản duy nhất, không thể phân chia được. Chúng thường được coi là một loại chứng thư hoặc quyền sở hữu một vật phẩm duy nhất, không thể sao chép. Ví dụ: sổ đỏ một ngôi nhà, giấy tờ xe của bạn là những tài sản duy nhất, không trùng lặp với bất kỳ ai.
- Commodity tokens: Đây là loại token mới xuất hiện. Token dạng này được coi là đại diện cho các tài sản trong thế giới thực có giá trị độc lập như bất động sản, vàng, tín chỉ carbon hoặc tiền tệ pháp định. Vì token hàng hóa được hỗ trợ bởi một tài sản tiêu chuẩn, do đó chúng có giá trị cơ bản không bị phụ thuộc vào hoạt động đầu cơ. Các token này cho phép nhà đầu tư tương tác với các tài sản này trên blockchain, với phí thấp hơn so với các sản phẩm thị trường truyền thống và quyền tự lưu ký tức thì(thay vì mất 3-5 ngày làm việc như hiện nay).
Một dự án có thể sẽ có sự xuất hiện của một vài loại token trong Tokenomics của nó. Vì vậy, bây giờ bạn hãy cân nhắc khả năng hiện diện của các loại token trong các khía cạnh khác nhau của dự án của mình.
Bước 1: Thiết tiện ích xung quanh Token
Trước khi đi sâu vào bất kỳ con số và mô hình kinh tế nào, bạn và team phải tự hỏi mình câu hỏi quan trọng nhất:
Tại sao dự án của bạn lại cần token?
Trong hệ thống của bạn, token phải được sử dụng trong các mục đích rõ ràng. Mục đích của token thường được xác định bởi tiện ích mà nó cung cấp trong hệ sinh thái của dự án.
Nếu token được tạo ra mà không gắn với mục đích nào rõ ràng, nó sẽ không có giá trị đối với người dùng cuối hoặc nhà đầu tư. Khi đó rõ ràng bạn không cần đến token trong hoàn cảnh này.
Xác định tiện ích xung quanh token
Tâm lý cho thấy bạn sẽ luôn muốn thêm nhiều tiện ích vào token nhất có thể. Điều này có nghĩa là sẽ có càng nhiều cách để mọi người sử dụng token trong hệ sinh thái của dự án. Nhưng để làm được điều đó, trước tiên bạn tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:
- Ai là người sử dụng token trong dự án của bạn?
- Lý do gì thúc đẩy họ sử dụng token trong dự án của bạn?
- Họ có thể sử dụng token trong dự án của bạn như thế nào?
Bạn có thể xem một số ví dụ dưới đây và suy nghĩ thêm trường hợp token của bạn:
Ethereum (ETH)
Đối tượng: Người dùng - Thợ đào - Nhà phát triển
Hành động:
- Người dùng: Có thể thực hiện giao dịch, có thể sử dụng các dApp.
- Thợ đào: Có thể xác thực giao dịch, đào token, kiếm phần thưởng. Có thể chi phối các quyết định của hệ sinh thái
- Nhà phát triển: Có thể tạo ra các dApp. Có thể cải thiện mã nguồn mạng lưới và kiếm phần thưởng.
Binance(BNB) - (thủa ban đầu, BNB lần đầu ICO trên mạng Ethereum)
Đối tượng: Khách hàng - Nhà phát triển - Nền tảng
Hành động:
- Người dùng: Có thể mua token. Có thể thanh toán các dịch vụ chấp nhận BNB. Có thể được hoàn tiền khi thanh toán sử dụng Binance Visa Card. Có thể tham gia vào các dự án trong Binance Launchpad. Có thể kiếm được nhiều phần thưởng hơn giới thiệu người mới. Có thể cung cấp tính thanh khoản cho sàn giao dịch và kiếm thêm phần thưởng.
- Nhà phát triển: Có thể list token của họ lên sàn.
- Nền tảng: Có doanh thu từ phí dịch vụ. Có thể bán token cho khách hàng. Có thể đốt token cho mục đích xác định.
Play2Earn Games: một mô hình mới xuất hiện vào đầu 2021, đến thời điểm này về cơ bản là nó sập rồi. Tuy nhiên vẫn có nhiều dự án theo mô hình này, ví dụ như Axies Infinity, TheSandbox
Đối tượng: Người chơi - Nhà phát triển - Nhà đầu tư - Nền tảng
Hành động:
- Người chơi: Có thể tạo ra những nội dung mới cho game, ví dụ như những nhân vật đặc biệt và duy nhất. Có thể chơi để thỏa mãn đam mê. Có thể chơi để kiếm thêm thu nhập. Có thể định hướng phát triển của nền tảng.
- Nhà phát triển: Có thể có thêm thu nhập từ việc thiết kế các hoạt cảnh mới cho game, bán lại cho người khác và kiếm thêm thu nhập.
- Nhà đầu tư: Có lãi từ việc đầu tư vào các nội dung trong game, ví dụ như mua miếng đất ảo rồi kiếm tiền từ việc cho thuê lại. Có thể định hướng phát triển của nền tảng.
- Nền tảng: Có thể bán các nội dung đặc biệt trong game. Có thể thu phí từ hoạt động mua bán các nội dung trong game giữa các người chơi.
Bước 2: Xác định token workflow
Ở bước này, bạn cần xác định các luồng mà token 'vào và ra' trong hệ thống của bạn. Đây là những câu hỏi sẽ giúp bạn làm sáng tỏ các thông tin:
- Đâu là giá trị mà hệ sinh thái đang cố gắng khuyến khích người dùng thực hiện?
- Cách khuyến khích người dùng thực hiện một hành vi cụ thể sẽ như thế nào?
- Đâu sẽ là đầu vào(injection) và đầu ra(rewards) của tokens?
- Làm thế nào để xây dựng một hệ sinh thái bền vững và ổn định trong dài hạn?
Lý tưởng nhất các luồng trong mô hình Tokenomics được thiết kế sao cho:
- Khối lượng lưu thông đủ cao - phải có số lượng giao dịch cao liên tục - “in” và “outs” của một token trong hệ thống. Điều này tương tương với việc duy trì sức hút của token cũng như hệ sinh thái của dự án với nhà đầu tư và người dùng.
- Nên có nhiều “ins” hơn “outs” - có nghĩa là các khuyến khích nên được thiết kế để tăng dòng tiền vào hệ thống, giảm dòng tiền ra và tạo ra áp lực mua. Việc xuất hiện các nhu cầu liên tục có thể làm tăng giá trị token, đây là thành tố quan trọng nhất để hút nhà đầu tư quan tâm đến dự án của bạn.
- Thời gian hold token đủ lâu - có nghĩa là có đủ khuyến khích để người nắm giữ token không rút tiền ngay lập tức. Việc rút ngay lập tức sẽ làm tăng đột biến nguồn cung trên thị trường, hậu quả là giá trị của token sẽ bị suy giảm.
Bước 3: Thiết lập thông tin căn bản
Khi bạn phát triển dự án trên một mạng lưới blockchain sẵn có (Ethereum, Binance Smart Chain, Solana) và ra mắt token, token của bạn sẽ là "token lớp 2" và mã nguồn của toàn bộ bussiness logic sẽ nằm trong một smart-contract. Lúc này mọi logic đều được điều khiển bởi smart contract, trong khi đặc tính của smart contract là rất khó thay đổi. Do đó đến bước này bạn cần nghiên cứu để hiểu thật rõ các thuật ngữ cơ bản của mô hình kinh tế học xung quanh token.
Market Cap
Vốn hóa thị trường là tổng giá trị tài chính của token có sẵn trên thị trường. Con số này chính bằng số lượng token đang lưu hành nhân với giá hiện tại của token.
Market Cap = Token Supply * Token Price
Total Token Supply
Total Token Supply - hay tổng cung là tổng số token bạn sẽ tạo ra. Khi nhắc đến tổng cung, điều thực sự có ý nghĩa với nhà đầu tư là họ thường xem xét 3 yếu tố: tổng cung, giá mỗi token, vốn hóa thị trường cuả token hiện tại để đưa ra phán đoán về khả năng tăng giá của token.
Một nguyên tắc khác khi thiết lập tổng cung đó là không nên đặt số quá bé hoặc quá lớn. Những con số, ví dụ < 100K hay > 1,000,000,000,000,000 (1 triệu tỷ) có thể làm nhà đầu tư cảm thấy có bất thường và tránh xa dự án của bạn.
Ngoài ra số lượng số thập phân của token cũng là một yếu tố cần lưu ý. Số lượng số thập phân của token chính là đơn vị nhỏ nhất mà token của bạn có thể chia nhỏ. Số lượng số thập phân ngoài việc phục vụ những mục đích bên trong cấu trúc hoạt động của dự án, nó còn tạo cảm giác về sự mất mát. Nếu chi phí cho một giao dịch được tính bằng một con số có càng nhiều số 0 đằng sau dấu chấm, người dùng sẽ thấy nó không đáng kể và dễ dàng chấp nhận nó hơn.
Bước 4: Xác định Mô hình nền kinh tế
Trong bài trước mình đã mô tả rất rõ về các mô hình kinh tế, bạn có thể tham khảo tại đây.
Về cơ bản mô hình nền kinh tế có một số dạng như sau:
- Deflationary model - Mô hình giảm phát
- Inflationary model - Mô hình lạm phát
- Duel-token model - Mô hình song song
- Asset-backed model - Mô hình tài sản đảm bảo
Trong các mô hình trên, các mô hình được áp dụng nhiều nhất là Mô hình giảm phát và Mô hình lạm phát.
Trong mô hình giảm phát, có một giới hạn cứng (giới hạn) về số lượng token được tạo ra. Đồng thời theo thời gian nguồn cung token sẽ giảm xuống để tạo ra sự khan hiếm. Giảm phát có thể thực hiện được thông qua cơ chế đốt - burn token.
Đốt token được hiểu là gửi token đến một địa chỉ ví mà không ai có quyền kiểm soát hoặc có mật khẩu để truy cập. Điều này khiến cho token bị bỏ quên và không tham gia vào lưu thông.
Có 2 hình thức burn token thường gặp:
- Mua lại và đốt: Nền tảng hoặc người phát hành coin sẽ mua lại một phần coin đang lưu hành trên thị trường và đốt nó đi.
- Đốt trong các giao dịch: Một phần phí giao dịch sẽ bị đốt đi để làm giảm số coin đang nằm trong lưu thông.
Các mô hình giảm phát thường dễ thiết kế hơn. Đồng thời mô hình giảm phát cũng giúp tăng giá trị cho token một cách tự nhiên. Vì thế nên nhiều projects chọn nó làm mô hình cho nền kinh tế.
Trong mô hình lạm phát, không có giới hạn nào về số lượng coin tạo ra, điều này đồng nghĩa với việc số lượng coin có thể tăng liên tục theo thời gian. Có nhiều hình thức khác nhau để tăng số lượng coin, ví dụ:
- Tăng theo lịch trình.
- Tăng do hoạt động đào token - token được sinh ra như phần thưởng cho việc xác thực giao dịch.
- Tăng do hoạt động trả thưởng staking.
- Tăng theo nhu cầu, ví dụ dự án cần huy động thêm vốn chẳng hạn.
Về cơ bản mô hình lạm phát khó thiết kế hơn so với giảm phát do cần căn chỉnh nhiều yếu tố để đảm bảo token không bị mất giá không phanh làm ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của hệ sinh thái.
Dưới đây là một số nguyên tắc để bạn có thể thực hành thiết kế mô hình này:
- Không nên sử dụng cơ chế đúc tiền theo nhu cầu - on demand minting. Nếu mọi người nhìn vào smart contract và thấy rằng bạn có thể đúc số lượng không giới hạn token vào bất kỳ thời điểm nào thì nhà đầu tư sẽ bỏ chạy khỏi dự án của bạn.
- Thông thường, nguồn cung lưu hành ban đầu > 20% và tỷ lệ lạm phát hàng năm <150% là tỷ lệ an toàn. Với mức lạm phát hàng năm > 200% thì nền kinh tế sẽ gặp vấn đề.
Mỗi một mô hình có những ưu nhược điểm riêng, bạn có thể cân nhắc dựa trên yêu cầu thực tế và mục tiêu muốn hướng đến của dự án. Thậm chí có thể thiết kế một mô hình kinh tế ban đầu là làm phát nhưng sau đó là giảm phát để tận dụng ưu thế của cả 2 mô hình trên.
Bước 5: Bổ sung các yếu tố khuyến khích người dùng
Ở bước cuối cùng, bạn cần suy nghĩ về những cách phương án để giúp mô hình của bạn có thể tăng thêm giá trị cho các nhà đầu tư.
Một nền kinh tế hiệu quả trước tiên phải có hoạt động tương tác qua lại giữa các tác nhân bên trong nó. Để làm được điều này, bắt buộc bạn cần phải bổ sung các yếu tố khuyến khích để kích thích sự tương tác trao đổi trong cộng đồng người dùng. Các cơ chế khuyến kích khác nhau có thể được áp dụng ở đây, ví dụ:
- Profit-sharing: Thúc đẩy nhà đầu tư tham gia nắm giữ token trong thời gian dài bằng cách chia sẻ lợi nhuận cho họ.
- Burning: Đốt token sẽ làm giảm tổng cung, điều này sẽ thúc đẩy token tăng giá tự nhiên, tất cả những người nắm giữ token đều có lợi.
- Staking: Cho phép người nắm giữ token đóng góp cổ phần để trở thành validators(máy xác thực giao dịch) và nhận phần thưởng từ đó.
- Vesting: Khóa một phần token của người mua ICO và mở khóa theo lịch trình. Ví dụ: bạn có thể định nghĩa smart contract ICO để những người mua ICO sẽ chỉ có thể sử dụng 25% token đã mua trong đợt ICO, 75% còn lại sẽ được mở khóa theo lịch trình 3 tháng hoặc 6 tháng. Điều này giống như kiểu khuyến khích ngược, nó thúc đẩy người mua nắm giữ token thay vì xả hàng - chốt lời sớm.
- Governance: Cho phép ngưới nắm giữ token tham gia vào việc ra quyết định cho tương lai của nền tảng và thưởng cho họ bằng token. Nếu quan sát dưới góc độ Governance token thì đây là yếu tố không thực sự cuốn hút, phần lớn người dùng chỉ tham gia thị trường để kiếm lợi nhuận, họ sẽ không quan tâm lắm đến việc mua token để biểu quyết. Tuy nhiên nếu họ có quyền biểu quyết về % nhận thưởng hoặc chia lợi nhuận thì đây có thể là một món hời, điều này sẽ kích thích nhiều người nắm giữ token hơn.
Những thành tố quan trọng để có một mô hình Tokenomics thành công
Để thành công, một Tokenomics phải thỏa mãn được nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố quan trọng nhất là gia tăng giá trị cho nhà đầu tư. Thông thường một tokenomic được thiết kế tốt sẽ có những đặc tính dưới đây:
- Có tính đa dạng: Có một hệ sinh thái đa dạng và quan trọng nhất là hữu ích.
- Có thể chống lạm phát: Có khả năng chống hoặc ít nhất là kiềm chế được lạm phát.
- Có thể mở rộng: token có thể được gửi đi một cách nhanh chóng và với khối lượng lớn.
- Được chấp nhận rộng rãi: Được nhiều người, dịch vụ, hệ thống khác hoặc hệ sinh thái khác chấp nhận.
- Có tính thanh khoản: Có thể giao dịch trên các sàn hoặc các website peer-to-peer.
- Có tính kích thích: Có nhiều yếu tố khuyến khích cộng đồng sử dụng token.
- Có quy tắc rõ ràng: Có các quy tắc rõ ràng để người dùng hiểu được điều gì có thể làm và không thể làm với token họ đang có.
Case studies thực tế - Tokenomic tốt - Polkadot (DOT)
Polkadot (DOT) là một công nghệ mạng lưới blockchain đa chuỗi (multi-Chain), không đồng nhất (heterogeneous) và có khả năng mở rộng. Điều này có thể giúp kết nối các chuỗi blockchain riêng lẻ với nhau, cho phép các thành phần này có thể trao đổi dữ liệu xuyên chuỗi để tận dụng tối đa nguồn lực của toàn hệ sinh thái.
DOT là native token trong hệ sinh thái Polkadot. Polkadot cung cấp hai tính năng chính:
- Parachains - Polkadot cung cấp Parachains như một framework với công cụ toàn diện cho các nhà phát triển để họ có thể tạo ra các blockchain riêng lẻ(nhưng vẫn có thể kết nối với các blockchain khác) phục vụ cho các dự án blockchain của riêng họ. Điều này giúp giảm thiểu công sức và tiết kiệm những chi phí tốn kém khi phải tự phát triển blockchain của riêng mình từ đầu.
- Đấu giá Slot Parachains - Để tham gia vào Parachains, các nhà phát triển phải gửi đề xuất dự án của họ và tham gia đấu giá (bản chất là stake DOT) để có được vị trí Parachain trên Polkadot. Vì số lượng vị trí có hạn, người trả giá cao nhất sẽ giành được vị trí. Cơ chế đấu giá này giúp duy trì chất lượng cao cho tất cả các dự án trên mạng Polkadot.
Trong hệ sinh thái Polkadot, nhà đầu tư đang nắm giữ DOT có thể:
- Tham gia quản trị mạng Polkadot. Người nắm giữ DOT có một số quyền biểu quyết nhất định trong giao thức quản trị của nền tảng, tương tự như cách cổ đông có thể bỏ phiếu về các vấn đề liên quan đến một công ty được niêm yết.
- Tham gia stake để trở thành validators hoặc đề cử người xác nhận. Polkadot là một trong những network lớn nhất tính theo giá trị stake và giá trị phần thưởng cao nhất, trung bình khoảng 13%.
- Tham gia Crowdloans để đóng góp cho các dự án đang cần huy động vốn bằng cách stake DOT. Đổi lại người tham gia stake sẽ được nhận lại các token thưởng tương ứng của dự án.
Điều gì khiến cho Polkadot khác biệt?
Toàn bộ hệ thống Polkadot được thiết kế hướng đến 2 vai trò chính:
- nhà phát triển
- người dùng
Các nhà phát triển được cần có DOT để có thể triển khai dự án của họ trên Polkadot Parachains - số DOT này sẽ bị khóa trong 96 tuần on-chain.
Người dùng được khuyến khích bỏ phiếu, stake DOT và tham gia Crowdloans để tài trợ cho các dự án của nhà phát triển. Sau khi Crowdloan hoàn tất, số DOT huy động được bị khóa trong hợp đồng cho đến khi nhóm hoàn thành dự án.
Bằng cách đưa ra các yêu cầu cao hơn cho các dự án, Polkadot duy trì tiêu chuẩn cao cho bất kỳ dự án nào trong hệ sinh thái. Đây cũng là chìa khóa đề thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, nhiều nhà đầu tư cũng là yếu tố để tiếp tục thu hút nhà phát triển.
Trong mô hình của Polkadot, hai cơ chế bên trên tạo ra một áp lực mua liên tục cho DOT. Ngoài ra ở đây, có mối tương quan rõ ràng giữa tăng trưởng hệ sinh thái và tăng trưởng giá token - càng có nhiều nhà phát triển và người dùng trên Polkadot, giá token càng bay cao.
Case studies thực tế - Tokenomics ngớ ngẩn - Dogecoin (DOGE)
Dogecoin là một token được tạo ra để ăn theo meme Doge. Blockchain của DOGE được tách từ Bitcoin, vì vậy nó có chung tất cả các tính năng chính của blockchain Bitcoin.
Mặc dù Dogecoin là một coin meme được ưa chuộng trong số những tiền điện tử ngoài kia, nhưng dưới góc độ tokenomics thì nó tương đối ngớ ngẩn.
Tiện ích hạn chế
Dogecoin là một bản sao của Bitcoin. Vì vậy, nó hoạt động như một blockchain Layer 1 và về cơ bản thì tương tự như Bitcoin. Điều đó đồng nghĩa với việc tiện ích của DOGE chỉ giới hạn ở việc trở thành một loại tiền điện tử giống như Bitcoin.
Nguồn cung cấp không giới hạn
Không giống như Bitcoin, Dogecoin không có giới hạn nguồn cung - hay có thể vô hạn. Với hơn 130 tỷ DOGE đã được bán ra, 5,26 tỷ DOGE mới được tạo ra hàng năm để thưởng cho validator. Điều đó từ từ khiến giá trị DOGE giảm xuống vì số lượng Dogecoin tăng lên, còn tiện ích của nó thì không.
Thiếu sự khác biệt
Kể từ khi Dogecoin được ra mắt vào năm 2013, những nhà phát triển ban đầu của đã từ bỏ dự án trong nhiều năm. Không có bất kỳ cải tiến nào được thực hiện trong những năm qua, Dogecoin không tốt hơn hoặc có gì nổi trội khi đem so sánh với các blockchain tương tự khác.
Kết luận
Tóm lại, có rất nhiều ví dụ về Tokenomic với độ phức tạp khác nhau để cho bạn tham khảo. Mô hình phức tạp hay đơn giản không quan trọng. Điều quan trọng là mô hình của bạn có thể phức tạp, nhưng trường hợp sử dụng token phải đơn giản và dễ hiểu. Hãy nhớ rằng bản chất con người là lười biếng, vì vậy nếu bạn muốn họ mua token của bạn thì đừng khiến họ có những nhầm lẫn không cần thiết.
Ngoài ra, để thiết kế một mô hình kinh tế học token hiệu quả và bền vững, chỉ trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực blockchain và tiền điện tử là chưa đủ. Tokenomics liên quan đến tất cả khía cạnh liên ngành: toán học, tâm lý học hành vi, kinh tế học vĩ mô, lý thuyết trò chơi, thiết kế trò chơi... Nhiều nhóm phát triển đánh giá thấp tầm quan trọng của việc đầu tư thời gian và công sức vào xây dựng Tokenomics trong giai đoạn đầu, điều này khiến họ mất đi nhiều giá trị về lâu dài do có nhiều sai sót trong mô hình của họ. Vì thế bạn cần phải có những tham vấn từ chuyên gia để có ý kiến dưới nhiều khía cạnh khác nhau của mô hình tokenomics trước khi khởi chạy token của riêng bạn.
Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn, kết hợp với kiến thức cá nhân. Người đọc có thể coi đây như một nguồn tham khảo.