Các bước để ICO dự án
Khởi động một chiến dịch ICO cho một dự án tiền điện tử là một công việc tốn thời gian và để tổ chức thành công một chiến dịch ICO như vậy từ đầu rất tốn kém. Chi phí này thường rơi vào khoảng $60,000 và còn phụ thuộc nhiều vào từng dự án và mục tiêu của dự án đó. Có một số ước tính khác cho rằng chi phí này có thể lên đến $1M, bao gồm chi phí cố vấn, chi phí viết whitepaper, chi phí thuê chuyên gia tạo ra token, chi phí xây dựng website, chi phí audit, chi phí PR quảng cáo...
Có 2 giai đoạn chính cho một chiến dịch ICO:
- Pre-public: Giai đoạn này bao gồm tất cả các công việc cần ưu tiên trước công bố đầu tiên và thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.
- Post-public: Giai đoạn này bao gồm tât cả những gì diễn ra giữa lần công bố đầu tiên và thời điểm thực sự bắt đầu bán ra token, thường kéo dài 3 tháng.
Checklist dưới đây sẽ giúp bạn khởi động một chiến dịch ICO thành công.
B1. Từ ý tưởng, hãy nghĩ thử xem dự án của bạn có thực sự cần ICO
Rõ ràng, nếu dự án của bạn đang tìm nguồn tài trợ thông qua chiến dịch ICO, bạn sẽ phải phát hành token riêng. Theo dữ liệu của CoinMarketCap, hiện có hơn 1.500 loại tiền điện tử đang tồn tại. Để tồn tại trong cuộc chiến này, token của bạn phải có nhu cầu rất cao. Vì vậy, nó phải cung cấp một giải pháp khác biệt và tốt hơn những gì đối thủ của bạn đang làm.

Để có thể chiến thắng trong chiến dịch ICO, việc đầu tiên là phải hiểu về thị trường, hiểu khách hàng mục tiêu và điều gì thúc đẩy họ để họ sẵn sàng đưa tiền cho bạn. Hãy coi dự án của bạn như một con người. Kiến trúc kỹ thuật là bộ xương nâng đỡ toàn bộ cơ thể của nó. Công nghệ blockchain và token hoạt động như các mạch máu luân chuyển chất dinh dưỡng để toàn bộ cơ thể có thể hoạt động. Và thử đặt câu hỏi xem thực sự bạn có cần ICO dự án của mình hay không? Nếu bạn bán bánh mỳ que và việc sử dụng token là không thực sự cần thiết thì rất khó để thuyết phục người khác mua token của bạn.
Hãy tìm một số công cụ để bạn test thử idea của mình và có được những feedback đầu tiên. Ví dụ như tạo thread trên BitcoinTalk forum với tiền tố [PRE_ANN] trước câu hỏi của bạn.
B2. Hiểu đối thủ của bạn
Bạn đang cạnh tranh với những người khác để giành tiền từ nhà đầu tư. Vì thế câu hỏi cần trả lời ở đây khá đơn giản:
- Những ai có ý tưởng giống bạn?
- Họ đã phát hành token chưa?
- Điểm khác biệt của họ là gì?
- Kế hoạch của họ ra sao?
- Thời gian phát hành của họ cụ thể như thế nào?

B3. Nghiên cứu pháp lý liên quan đến ICO ở quốc gia của bạn
Trong lĩnh vực tiền điện tử, ICO là hoạt động được quan tâm nhất bở các cơ quan nhà nước. Có lẽ bạn cũng đã quá quen với việc đài truyền hình quốc gia liên tục phát đi các cảnh báo về các dự án ICO scam. Điều này cũng dễ hiểu, bởi một số lượng lớn các ICO đóng cửa, chạy trốn với số tiền huy động được.
Tuy nhiên ở hầu hết các quốc gia, ICO vẫn là hoạt động hợp pháp trừ Trung Quốc và Hàn Quốc - có một số tin tức cho rằng Hàn Quốc đang chuẩn bị gỡ bỏ lệnh cấm này. Ngoài ra ICO ở các quốc gia như Việt Nam, Algeria, Bangladesh, Bolivia, Kyrgyzstan, Macedonia, Morocco, Pakistan cũng không được coi là hoạt động hợp pháp và được pháp luật bảo vệ.
Ở Mỹ, công dân được yêu cầu khai báo các nguồn thu nhập có được với IRS - Sở thuế vụ liên bang. Ngoài ra, Ủy ban An ninh và giao dịch Mỹ sẽ truy tố các ICO không tuân thủ chính sách Know-Your-Customer mà họ đặt ra. Đây cũng là lý do mà nhiều dự án ICO đã miễn trừ trách nhiệm với công dân Mỹ mua token của họ.

Ngoài ra, có thể bạn không có vấn đề pháp lý với nhà nước, nhưng nếu các hoạt động bên trong liên quan đến việc sử dụng các khoản đầu tư dù là không có ý đồ xấu, cũng có thể bị gán nhãn là scam bởi cộng đồng người dùng. Và nếu điều đó xảy ra thì chiến dịch ICO của bạn coi như đổ bỏ.
Cuối cùng, điểm mấu chốt là bạn cần cập nhật liên tục các quy định về tiền điện tử ở quốc gia mà bạn dự kiến tiến hành ICO và chú ý đến bất kỳ thay đổi nào trong tương lai. Việc thuê một luật sư nắm rõ được những điều này sẽ rất hữu ích cho trường hợp của bạn.
B4. Tạo ra ICO token
Khi bạn chắc chắn rằng token là một phần không thể thiếu trong dự án của mình thì đây là lúc có bạn sẽ phải tạo ra token của riêng mình. Các bước cụ thể bao gồm:
- Đầu tiên, bạn cần xây dựng một kế hoạch phân phối token chắc chắn. Để làm được điều đó, bạn cần chỉ rõ có bao nhiêu giai đoạn token sale: private-sale, pre-sale, ICO và bán rộng rãi. Số lượng giai đoạn sẽ tùy thuộc vào mục tiêu của dự án.
- Tiếp theo, bạn cần xác định có bao nhiêu token sẽ được đem đi phân phối: tổng số token được phát hành, số lượng được chia cho các thành viên dự án, bao nhiêu đem bán trong các giai đoạn token sale và cuối cùng là các trường hợp mà bạn sẽ phát hành thêm token.
- Lựa chọn blockchain network để phát hành token. Không có quá nhiều lựa chọn cho bạn trong thị trường này. Theo thống kê của ICOWatchList thì có đến 81.7% các dự án sử dụng Ethereum, 9% còn lại là nằm trên các nền tảng khác. Ethereum thậm chí cung cấp sẵn chuẩn ERC20 và có rất nhiều mã nguồn của smart contract để bạn tham khảo. Ngoài ra, còn có một số công cụ khác giúp bạn tạo ra token của riêng mình mà thậm chí không cần biết code.

Nhưng tốt nhất, trong trường hợp bạn không hiểu về cách tạo token và cách để tùy chỉnh nó theo mục tiêu dự án của bạn đã đặt ra. Bạn nên thuê một chuyên gia nắm rõ về ERC20 và có kinh nghiệm thiết kế token làm điều này. Ngoài ra bạn cũng cần thuê một đơn vị kiểm toán bên ngoài kiểu như Quantstamp, Certik... để kiểm thử các lỗ hổng có thể xuất hiện trong mã nguồn token của bạn - không loại trừ trường hợp chính chuyên gia trước đó bạn thuê về cố tình gây ra.


Chọn sales model cho token
Việc chọn sales model cho token phụ thuộc vào quy định về ICO ở quốc gia mà bạn dự định phát hành. Hiện tại có khoảng 8 sales model mà bạn có thể dùng cho chiến dịch ICO của mình.
- Uncapped: Nhà đầu tư sẽ mua token với giá cố định trong đợt ICO.
- Soft cap: Bạn phải sẽ xác định trước số tiền tối thiểu muốn huy động. Nếu đạt được, mô hình soft cap thường được tiếp tục cho đến thời điểm ICO đóng cửa đã định trong kế hoạch. Nhưng cũng có trường hợp mô hình soft cap kết thúc ngay khi số tiền huy động đạt hoặc vượt quá số tiền đã đặt ra trước đó.
- Hard Cap: Bạn sẽ xác định trước số tiền tối đa dự kiến sẽ được huy động khi ICO. Mô hình này chỉ kết thúc khi đạt được số tiền định trước hoặc vào cuối thời kỳ.
- Hidden Caps: Các nhà đầu tư sẽ không biết số vốn cần huy động và các mục tiêu khác cho đến khi ICO diễn ra. Mô hình này thường được sử dụng trong trường hợp ICO có thể chịu tác động bởi nhiều tin đồn và suy đoán, bởi nó giúp giữ kín các chi tiết chính cho đến thời điểm công chúng cần được biết.
- Dutch Auction: Trong mô hình này, tất cả người mua sẽ đưa ra mức giá họ sẵn sàng mua (giá thầu) và số lượng họ sẽ mua. Sau khi nhận được tất cả giá thầu, chúng sẽ được sắp xếp theo giá trị giảm dần. Giá thầu cao nhất được chấp nhận cho đến khi tất cả token được cung cấp được bán hoặc tổng giá trị token bán được vượt mục tiêu đã đề ra.
- Reverse Dutch Auction: Trong mô hình này, giá của token sẽ tăng đều đặn sau một khoảng thời gian. Nếu mua càng muộn, nhà đầu tư sẽ phải chi nhiều tiền hơn.
- Collect And Return: Bạn sẽ xác định trước số vốn cần huy động, nhưng vẫn cho phép các nhà đầu tư có thể đóng góp có thể vượt quá giới hạn. Sau khi bán xong, token được phân bổ theo tỷ lệ đóng góp. Ngoài ra khoản chênh lệch trong các khoản đóng góp được trả lại cho nhà đầu tư. Ưu điểm của mô hình này là tất cả nhà đầu tư đều nhận được token.
Ví dụ: Dự án kêu gọi $100K trong 24h, nhưng sau khi kết thúc thời gian này số tiền thực tế là $200K tương đương với việc thu về được 200% so với dự định. Điều này cũng đồng nghĩa tất cả những người đóng góp sẽ nhận được 50% số token so với giá trị họ đóng góp, 50% còn lại sẽ được hoàn trả. - Dynamic Ceiling: Mô hình này ngăn chặn những nhà đầu tư mua một số lượng lớn token trong một giao dịch. Thay vào đó, họ sẽ phải mua với số lượng nhỏ hơn và dàn trải lượng mua của họ trong suốt thời gian của ICO. Điều này ngăn các nhà đầu tư lớn nắm quyền kiểm soát một số lượng lớn các token và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nhỏ hơn.
Một số câu hỏi liên quan:
Một cấu trúc token sale tốt phải có những tiêu chí gì?
- Có thể đảm bảo gọi được đủ số vốn cần thiết
- Bán một số % nhất định token
- Càng nhiều holder càng tốt
- Số lượng mỗi người nắm giữ càng đồng đều càng tốt
- Đảm bảo được thị trường của token vẫn sẽ phát triển sau khi launching.
Tôi nên gọi vốn ICO với mục tiêu là số tiền giới hạn hay không giới hạn?
Có bao nhiêu người sẵn sàng trả $1000 cho một lượng token mà họ biết rằng số này chỉ chiếm 1% lượng token thực sự tồn tại hoặc thậm chí là không biết được số lượng thực tế vì nó có thể đẻ ra thêm mỗi năm.
Hơn nữa, việc bạn không chỉ ra được giới hạn mà bạn cần kêu gọi trong đợt ICO có thể khiến nhà đầu tư nghĩ rằng bạn không xác định được dự án cần bao nhiêu vốn để phục vụ kế hoạch phát triển và có thể gán cho dự án của bạn là scam.
Vì vậy, việc chọn một giới hạn số lượng token sẽ luôn tốt hơn trường hợp ngược lại.
Cần bao nhiêu vốn?
Dự án cần tính toán số tiền cần kêu gọi, sao cho với số tiền đó đội ngũ có thể làm việc để đạt được kết quả có ý nghĩa trong việc phát triển sản phẩm - đạt được lợi nhuận, tính bền vững của hệ thống hoặc đạt được một cột mốc quan trọng.
Dưới đây là ví dụ cho một công thức đơn giản mà bạn có thể sử dụng:
- Thiết kế timeline cho dự án, các cột mốc mà dự án và sản phẩm sẽ trải qua và những thành quả tại mỗi cột một.
- Ước lượng quãng thời gian số tháng/năm từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. Nếu dự án vẫn tiếp diễn mà không có điểm kết thúc thì có thể coi điểm kết thúc là một mốc mà dự án hoàn thành hết các chỉ tiêu quan trọng.
- Lập kế hoạch tài chính cho khoảng thời gian trên, trong đó có đề cập đến các hoạt động có thể xảy ra và tất cả các chi phí cần thiết: chi phí phát triển, chi phí vận hành, chi phí tiếp thị...
- Sau khi có một con số tổng chi phí, hãy nhân nó lên 2.5 lần. Đây là con số mà bạn sẽ phải huy động.
Thông thường mọi người hay nghĩ rằng tỷ lệ 1:1 là đủ, tuy nhiên sẽ có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra. Nếu chỉ huy động theo tỷ lệ này có thể bạn sẽ thiếu vốn. Do đó x 2.5 lần lên là con số hợp lý để tránh các rủi ro.
Giới hạn bao nhiêu là hợp lý?
Điều này tùy thuộc vào số vốn mà từng dự án muốn huy động. Hãy đưa ra con số bạn cần cho mỗi hạng mục trong kế hoạch, sau đó đưa ra ước lượng về giá trị kỳ vọng của mỗi token và cuối cùng công khai một con số mà dự án cần với tất cả mọi người.
Giới hạn cứng hay giới hạn mềm?
Giới hạn cứng là số tiền tối đa mà bạn xác định cần gọi vốn
Giới hạn mềm là số tiền tối thiểu cần đạt khi gọi vốn.
Nếu bạn không tự tin rằng mình có thể đạt được giới hạn cứng - hard cap của mình, bạn có thể xác định giới hạn mềm - soft cap cho khoản gọi vốn tối thiểu cần thiết, ví dụ: để phát triển MVP.
Tôi nên dùng token nào để nhận đầu tư?
Có vẻ nhưng câu hỏi này không ăn khớp với những câu hỏi ở phía trước. Tuy nhiên tôi vẫn muốn đặt nó ở đây vì đó là một lưu ý quan trọng giúp bạn đảm bảo gọi được đúng số vốn mà bạn cần.
Đừng bỏ qua nó!
Thông thường Stable coin được bảo chứng bởi tài sản thật như USDT, USDC, BUSD là cách đảm bảo bạn đứng ngoài sự biến động. Do đó nó sẽ luôn là sự lựa chọn hàng đầu.
Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có thể chọn stable coin, nếu phải lựa chọn coin khác thì hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây.
- Nếu là ICO thì bạn nên chấp nhận thanh toán bằng native token của blockchain network mà dự án đang triển khai.
- Nếu là IEO thì bạn sẽ phải dùng token của sàn. Ví dụ Binance là BNB, FTX là FTT...
- Nếu là IDO thì bạn nên chấp nhận token cặp với token của bạn trên liquidity pool.
Nếu bạn chấp nhận cả stable coin lẫn các lựa chọn khác, hãy cập nhật giá của của những đồng coin này trước khi launch diễn ra bởi sự biến động về giá của chúng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến số tiền mà bạn có thể huy động được.
Ngoài ra không nên chấp nhận các khoản đầu tư dưới nhiều loại coin khác nhau. Điều này sẽ làm tăng rủi ro biến động giá và ảnh hưởng đến những ước lượng trước đó của bạn.
"If you do a single round, set your exchange rate to be fixed and announce it a few hours before the launch."
B5. Viết white paper
White paper là tài liệu kỹ thuật chính, nó mô tả toàn bộ dự án của bạn đến từng chi tiết có thể. Thông thường một white paper sẽ bao gồm tất cả mọi thứ: phân tích thị trường, tầm nhìn của bạn về dự án, chiến lược phát triển, kiến trúc và mục tiêu, thông tin về token và kế hoạch phân phối, tỷ lệ phân phối token, các vấn đề pháp lý, các nguồn lực sẵn có của bạn, mô tả về đội ngũ phát triển, các nhà đầu tư và cố vấn ban đầu...

Dĩ nhiên là không phải tất cả mọi người đều quan tâm chi tiết đến nội dung bên trong white paper. Nhưng bạn vẫn cần chuẩn bị nội dung white paper một cách chỉnh chu với lập luận logic sắc bén. Bởi trong thị trường này, những người đam mê Blockchain có hiểu biết sâu rộng về các khía cạnh kỹ thuật và một lượng kiến thức chuyên môn đáng kể, thông thường họ cũng chính là những người cực kỳ nổi tiếng và có tiếng nói trong cộng đồng.
Chỉ cần 1 người trong số họ phát hiện ra những thiếu sót hoặc yếu tố có thể dẫn đến mất mát hoặc gian lận thì chiến dịch ICO của bạn cũng có thể đem đi đổ bỏ. Đặc biệt là khi bạn đang PR dự án của bạn một cách rộng rãi, những người này sẽ không bỏ lỡ cơ hội để giúp họ nổi tiếng hơn bằng cách làm rùm beng mọi thứ.
B6. Ra mắt website
Sau khi có whitepaper, ở bước này bạn sẽ cần phải xây dựng và ra mắt website. Đây chính là điểm chạm chính trong hành trình của một nhà đâu tư tiềm năng với dự án của bạn.
Thông thường người dùng sẽ quan tâm đến các nội dung chính:
- đội ngũ phát triển của bạn có xịn không?
- mục tiêu của dự án là gì?
- các biện pháp thực hiện để đảm bảo bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư?
- lộ trình phát triển ra sao?
- kế hoạch phân phối token thế nào?
Tuy nhiên một website hoàn chỉnh sẽ bao gồm tất cả những thành phần dưới đây.
- Form đăng ký mua token
- Video giới thiệu dự án
- Mô tả về sản phẩm của dự án
- Các ứng dụng thực tế của sản phẩm
- Kế hoạch phát triển - Roadmap
- Tài liệu: điều khoản sử dụng, pháp lý, white paper...
- Mô tả về kế hoạch ICO
- Nhóm: ảnh đại diện chất lượng cao, tiểu sử ngắn gọn, liên kết mạng xã hội nếu có.
- Các đối tác, cố vấn và những nhà đầu tư đầu tiên của dự án
- Báo chí đưa tin: video các KOL nói về dự án của bạn, video thuyết trình, phỏng vấn; liên kết đến các bài báo của các trang uy tín trong lĩnh vực...
- Thông tin liên hệ, liên kết mạng xã hội của dự án
Ngoài ra, tùy theo mục tiêu của bạn mà website và tài liệu liên quan có thể được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau để hướng đến từng đối tượng khách hàng ở các quốc gia khác nhau. Thông thường ngoài ngôn ngữ bản địa và tiếng Anh, các dự án ICO sẽ có thêm các ngôn ngữ khác như tiếng Trung, Hàn, Nga, Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Càng nhiều ngôn ngữ chi phí sẽ tăng lên. Tùy thuộc vào ngôn ngữ, người dịch sẽ lấy của bạn khoảng $150 -$300 mỗi 25 trang whitepaper.
Nếu bạn quyết định tạo một trang web đa ngôn ngữ, hãy đảm bảo rằng bạn chỉ thuê những người dịch chuyên nghiệp, những người chắc chắn giỏi công việc của họ. Những sai lầm nhỏ nhất cũng sẽ khiến dự án của bạn trông không chuyên nghiệp và mất đi các nhà đầu tư tiềm năng.
B7. PR và marketing dự án
Đến bước này, bạn cần quảng bá dự án của bạn tới mọi người. Đây là việc bắt buộc phải làm nếu bạn muốn thu hút nhà đầu tư riêng lẻ ngoài kia.
Quảng cáo, truyền thông là một công việc tốn kém. Chi phí phải trả cho việc marketing dự án là không giới hạn từ $400 - $15,000, cũng có thể là một con số vô hạn.
Một số chi phí có thể nhìn thấy:
- Phí thuê một chuyên gia quản lý cộng đồng để xây dựng và quản lý các cộng động Telegram, Discord và các mạng xã hội khác của dự án.
- Phí quảng cáo trên Google Ads, Forums Ads, quảng cáo trên các cộng đồng Telegram, Discord...
- Tiền thưởng dành cho người dùng trong các chiến dịch PR.
Ngoài ra, nếu bạn lựa chọn các giải pháp thuê ngoài hoàn toàn, chi phí có thể sẽ cao hơn, nhưng đổi lại bạn sẽ tiết kiệm thời gian và công sức để xây dựng đội ngũ marketing có thể làm được việc.

Giống như việc xây dựng website, bạn cũng phải đứng ở quan điểm của nhà đầu tư tiềm năng để lên kế hoạch cho một chiến dịch PR. Hãy trả lời câu hỏi xem nhà đầu tư tiềm năng là ai, họ có thể tìm thấy dự án của bạn bằng cách nào, vị thế của dự án trong thị trường, đối thủ của bạn đang làm gì và quan trọng nhất là bạn sẽ hiển thị và trình bày nội dung của bạn như thế nào để thuyết phục họ tìm hiểu về dự án và xuống tiền mua token của bạn.
Toàn bộ thị trường tiền điện tử được thúc đẩy bởi tâm lý: FOMO - Nỗi sợ bỏ lỡ. Mọi người sẽ đầu tư vào dự án của bạn nếu sự bạn tạo ra một sức mạnh truyền thông mạnh mẽ đến mức khiến họ tin rằng họ sẽ bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời nếu họ không làm như vậy.
Dưới đây là những lưu ý sẽ giúp bạn có thể có một chiến dịch PR thành công.
Luôn thống nhất trong mọi trường hợp
Cách bạn truyền thông đến nhà đầu tư phải luôn thống nhất trong suốt quá trình trước và trong khi ICO diễn ra. Hãy nhớ rằng PR trong cho một chiến dịch ICO luôn cần tối thiểu 3 thứ: 1) sản phẩm khác biệt, 2) đội ngũ có kinh nghiệm, 3) đây không phải dự án lừa đảo. Và bạn phải thống nhất trong mọi ngôn ngữ và lời nói trước cộng đồng.
Tham gia vào các cộng đồng crypto
- Forums: Trước đây, hầu hết các ICO được tổ chức trên các diễn đàn liên quan đến Bitcoin. Top 1 trong các diễn đàn là BitcoinTalk. Ngoài ra còn có Bitcoin.com, AltcoinTalks, BitcoinGarden và nhiều diễn đàn khác.
- ICO calendars: Có rất nhiều công cụ cho phép các nhà đầu tư tiềm năng theo dõi các ICO sắp tới và bạn nên tận dụng tối đa các dịch vụ đó: CoinTelegraph, TokenMarket, ICOAlert
- Reddit: Hãy đặc biệt chú ý đến Reddit. Có hơn 40 subreddit liên quan trực tiếp đến bitcoin. Thêm vào đó, số lượng subreddit cho altcoins cũng rất nhiều, một số chúng liên quan trực tiếp đến ICO: r/ICOanalysis. Có thể coi Reddit như là một trong những mạng xã hội sôi nổi nhất cho giới crypto. Thực tếcó rất nhiều người dùng sẽ đặt câu hỏi về dự án của bạn trên Reddit, vì thế hãy dành thời gian giải đáp những thắc mắc của họ. Hãy coi nó là một phần không nhỏ trong công sức của bạn bỏ ra để PR.
- Quora: Quora là nền tảng hỏi đáp, có rất nhiều chuyên gia trên đó và thông thường người dùng sẽ luôn có câu trả lời rất toàn diện cho những vấn đề họ đưa ra. Chiến lược tốt nhất ở đây là ngoài việc để người khác thảo luận về dự án, bạn còn phải trả lời trực tiếp những câu hỏi đó. Giống như với diễn đàn và Reddit, giao tiếp chủ động sẽ ghi điểm trong mắt nhà đầu tư tiềm năng.
- Telegram, Discord, Slack: Đây là 3 công cụ messaging được ưa chuộng trong giới đầu tư crypto. Công dụng thường thấy của chúng là nơi tập hợp các channel để dự án có thể thông báo bất kỳ cập nhật nào cho nhà đầu tư. Ngoài ra, bạn cũng có thể thiết lập các channel khác để các nhà đầu tư tiềm năng của thảo luận về dự án. Bạn càng cởi mở về vấn đề này, bạn càng có nhiều khả năng thu hút được nhiều tiền hơn. Hơn nữa, bạn có thể sử dụng các kênh và cuộc trò chuyện đã có trước đó để quảng bá cho ICO của mình.
- LinkedIn professional groups: LinkedIn là một mạng xã hội thông tin với mục đích xây dựng profile nghề nghiệp chuyên nghiệp cho bất kỳ ai. Vì lý do đó, LinkedIn trở thành một công cụ cực kỳ hữu ích khác để quảng bá và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tiềm năng của bạn. Bằng cách đưa liên kết LinkedIn của các thành viên trong đội ngũ phát triển và cố vấn lên website, nhà đầu tư có thể tìm hiểu thêm, đánh giá về tiềm năng của dự án và quyết định xuống tiền. Ngoài ra trên LinkedIn cũng có những hội nhóm như ICO Launch group, ICO group, nơi mà bạn có thể tham gia để quảng bá cho dự án của mình.
- Facebook groups: Chắc chắn bạn sẽ phải tạo một Facebook fanpage cho ICO. Có rất nhiều người nghĩ rằng đây là việc đầu tiên họ sẽ làm khi tìm kiếm thông tin về dự án của bạn. Có một vài hạn chế ở đây, ví dụ như việc Facebook cấm mọi quảng cáo liên quan đến ICO. Tuy nhiên, bạn có thể có 2 phương án: Một là tự xây dựng các group của riêng mình, thu hút những người dùng quan tâm một cách hoàn toàn tự nhiên và quảng bá thông tin ICO trong chính group đó. Hai là tìm kiếm và liên hệ với admin của các group có liên quan, theo từng ngôn ngữ để tìm ra group phù hợp và chạy các chiến dịch quảng bá trong những cộng đồng này.
Email Marketing
Mỗi khi có cập nhật hãy gửi email đến cho mọi người. Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi mail để nhắc họ về ngày bắt đầu ICO vào các thời điểm: một tháng, một tuần, một ngày hoặc thậm chí năm phút trước khi nó bắt đầu. Nhưng nên nhớ rằng, đừng gửi quá nhiều email, nếu không muốn email của bạn vào hòm thư rác.
Bounty Program
Các chương trình ICO đang cung cấp các chương trình tiền thưởng. Ở đây có 2 dạng thường gặp: Affiliate và Airdrops.
Affiliate Bounty Program là dạng chương trình mà bạn sẽ trả tiền cho các người quản lý cộng đồng, người nổi tiếng, hoặc bất kỳ người dùng nào để họ quảng bá cho dự án của bạn.
Bounty Airdrops là một dạng khác. Hình thức Airdrop như một dạng tiền thưởng, người dùng thường phải làm nhiệm vụ nào đó để có thể nhận về một số token thưởng(thường thì nếu ICO diễn ra token sẽ tăng giá, người dùng có thể bán ra để kiếm lời), ví dụ như chia sẻ bài đăng lên Facebook, Twitter, tham gia cộng đồng Telegram, like Fanpage của dự án chẳng hạn.
Một số lưu ý quan trọng
Mặc dù mục tiêu của một chiến dịch thành công sẽ là phải quảng cáo chiến dịch đó thông qua bất kỳ phương tiện nào có thể, tiếp cận được càng nhiều người trong cộng đồng càng tốt. Nhưng điều rất quan trọng là bạn và nhóm marketing của bạn phải rất cẩn thận với từng ấn phẩm, bài đăng hoặc câu trả lời. Bởi chỉ cần một số rất ít người có lý do để nghi ngờ dự án của bạn là lừa đảo, các nhà đầu tư khác sẽ kiểm tra kỹ lưỡng hơn và cơ hội để phát hiện những vấn đề khác về dự án sẽ xuất hiện. Điều này sẽ làm mất đi cơ hội thành công của một chiến dịch ICO. Và không có gì tai hại hơn đối với một chiến dịch ICO ngoài việc bị cộng đồng tiền điện tử gán cho nó là một trò lừa đảo.

B9. Kích hoạt sự kiện ICO
Sau khi đã làm truyền thông rầm rộ, cũng đến lúc bạn phải thực sự ICO. Điều này phải được lên lịch từ trường và phải được quảng bá đến tất cả những cộng đồng người đầu tư tiềm năng mà dự án đang hướng đến.

Quá trình ICO sẽ thường kéo dài trung bình từ 30 - 50 ngày. Một số ví dụ mà bạn có thể xem ở đây.
- Etherum - Token sale kéo dài 42 ngày, kêu gọi được 18 triệu đô.
- Stratis - ICO diễn ra trong 36 ngày, gọi được $600K.
- Omni Coin - ICO trong 36 ngày, gọi được $750K.
Xem xét các số liệu thống kê nói trên, các thao tác toán học đơn giản sẽ dẫn chúng ta đến khoảng thời gian lý tưởng của một ICO thành công là 41 ngày. Tất nhiên, đây chỉ là một con số trung bình dựa trên năm chiến dịch và không có nghĩa là một tỷ lệ vàng của một số loại.
Thông thường bạn sẽ phải chọn khung thời gian đủ dài để tạo FOMO và quảng cáo thổi phồng về dự án, điều này thu hút nhiều người hơn và có thêm nhiều khoản đầu tư hơn, trong khi không quá lâu để các nhà đầu tư có thể thấy một số kết quả thực tế khi dự án vẫn đang được tiếp tục. Nếu ICO diễn quá lâu, trong khi những kết quả thực tế của dự án không thực sự thuyết phục, giá trị của token sẽ bị ảnh hưởng và cuối cùng sẽ tác động đến mục tiêu chung cuả chiến dịch đề ra.
Thêm vào đó, việc giao tiếp với thế giới đến đây vẫn phải được tiến hành liên tục. Tốt nhất, bạn nên có các chuyên gia trong mọi khía cạnh của dự án của bạn túc trực 24/24. Hãy nhớ rằng, đây là giai đoạn quyết định trong lịch sử dự án của bạn, sẽ có những người tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi hoặc chỉ đơn giản là yêu cầu hướng dẫn về cách thực hiện.
Cuối cùng, bạn cần chuẩn bị các chuyên gia an ninh túc trực, ICO là cơ hội tốt cho hacker có thể tấn công. Trường hợp của Coindash vào năm 2017 là một ví dụ điển hình. Website của họ đã bị tấn công trong ngày đầu tiên ICO và số tiền bị đánh cắp lên đến 7 triệu đô.
Điều gì diễn ra sau khi ICO
Về cơ bản, đây chỉ là sự khởi đầu. Sau khi ICO, dự án của bạn đã tăng số vốn cần thiết, việc phát triển sản phẩm nên được bắt đầu hoặc tốt hơn là tiếp tục trên quy mô lớn hơn. Đây là thời điểm mà bạn cần thể hiện ra đạo đức kinh doanh của mình cũng như nghĩa vụ tài chính để không để các nhà đầu tư thất vọng.
Bạn sẽ phải tiếp tục phân phối token theo kế hoạch đã xây dựng trước đó, tiếp tục theo lộ trình của bạn và cố gắng hết sức có thể để mang lại nhiều giá trị nhất có thể cho khách hàng và người nắm giữ token.
Đưa token của bạn lên các sàn giao dịch
Dĩ nhiên khi làm ra một dự án, bạn sẽ có mong muốn cống hiến và làm cho cộng đồng crypto ngày một tốt hơn. Nhưng đó là cả một quá trình. Trong khi chờ đợi những kết quả ấy đến, đội ngũ của bạn bạn và các nhà đầu tư của bạn sẽ mong đợi dự án làm được điều gì đó khác: ví dụ như "giúp cho mọi người trở nên giàu có".
Để làm được điều đó, token của bạn cần phải có nhu cầu, nó phải có giá trị và quan trọng nhất là nó cần được niêm yết trên ít nhất một sàn giao dịch tiền điện tử. Sàn giao dịch sẽ giúp bạn mở rộng nhu cầu và sự thèm khát token của bạn.
Các sàn giao dịch khác nhau sẽ có các yêu cầu khác nhau để token được niêm yết, nhưng "nếu dự án của bạn tạo ra sự khác biệt và thực sự có giá trị cho cộng đồng tiền điện tử, bạn sẽ không gặp bất kỳ vấn đề nào khi tham gia". Poloniex là một ví dụ cho câu nói trên. Binance, có một nhóm chuyên gia chỉ chuyên xem xét các token mới đang chờ được niêm yết. Hầu hết các sàn giao dịch khác sẽ yêu cầu token của bạn chứng minh giá trị của nó theo cách tương tự.
Các thuộc tính cơ bản mà bất kỳ token nào cũng cần phải có nếu nó muốn được niêm yết trên sàn giao dịch:
- Token name: Tên dự án.
- Token symbol: Tên gọi của token, nó sẽ đại diện cho dự án của bạn trên sàn giao dịch.
- Description: Mô tả cho token của bạn, thông thường bạn sẽ phải đề cập một sứ mệnh rõ ràng, một vài nội dung quảng cáo cho token của bạn, sự khác biệt mà dự án mang lại...
- Token logo: Hình ảnh đại diện. Nhà đầu tư sẽ ghim hình ảnh token của bạn trong đầu, vì vậy hãy sử dụng một thiết kế thật đặc biệt.
- Source code: Mã nguồn của token.
- Launch date: Đây sẽ là ngày đầu tiên của chiến dịch ICO của bạn.
- Listing fee: Một số sàn giao dịch, trong trường hợp cần có đủ sự thẩm định, có thể yêu cầu bạn trả phí tuân thủ trước khi token của bạn có thể được liệt kê trên chúng. Ví dụ, Binance sẽ yêu cầu bạn ~ $100K để được niêm yết trên sàn DEX của họ. Nhưng với các DEX thực sự, cơ chế hoạt động của chúng cho phép token của bạn có thể giao dịch ngay lập tức mà không cần mất chút phí nào cho sàn để có thể niêm yết.
Trong trường hợp bạn không chắc nên đăng ký vào sàn giao dịch nào, đây là danh sách một số sàn giao dịch tiền điện tử mà bạn có thể tham khảo:





Bài viết được dịch từ nhiều nguồn và bổ sung phần nào ý kiến cá nhân. Người đọc có thể xem bài viết gốc tại đây.

