Công thức để launch ICO/IDO/IEO thành công

Để có thể thực hiện các hạng mục trong dự án và đưa nó đến đích thì bạn phải có vốn. Việc huy động vốn trên thị trường Crypto tương đối dễ dàng, tuy nhiên vấn đề nó có dễ hay không phụ thuộc vào hành động của bạn trước đám đông. Dưới đây là những bước mà bạn cần làm để huy động vốn thành công.

B1. Đặt giới hạn cố định - hardcap của USD đối với số tiền bạn muốn huy động.

Bạn phải xác định được bạn cần bao nhiêu tiền cho lộ trình phát triển của dự án - roadmap. Nếu bạn không thể xác định hoặc đưa ra dẫn chứng con số cụ thể, nhà đầu tư sẽ cho rằng bạn không biết tính toán hoặc quá tham lam. Vì thế sẽ xuất hiện những nghi ngờ và giảm thiểu khả năng đầu tư vào dự án của bạn.

Con số này thường bằng 2.5 lần so với tổng số tiền mà bạn tính toán trước đó cho mỗi hạng mục và mỗi giai đoạn. Việc nhân số tiền này lên giúp bạn giảm thiểu rủi ro thiếu vốn trước những biến động và thay đổi trong quá trình thực hiện dự án.

B2. Xác định kế hoạch phân bổ token

  • Dành cho token sale từ 5-20%: Số lượng token này sẽ được dùng để bán ra trong các đợt token sale nhằm gọi vốn ban đầu cho dự án.
  • Dành cho Team từ 5-20%: Số lượng token này sẽ được trả như cổ phần của cty dành cho đóng góp của đội ngũ phát triển, đảm bảo rằng họ vẫn có mong muốn cống hiến cho dự án. Tuy nhiên nó không nên quá lớn (> 20%), điều này có thể khiến cho nhà đầu tư nghĩ rằng đội ngũ của bạn đang cầm một quả bom và có thể xả vào đầu họ bất cứ lúc nào. Hãy nhớ rằng một dự án blockchain muốn gọi vốn được trước đám đông thì tiêu chí đầu tiên phải là decentralized - không ai có quyền chi phối tất cả và tốt nhất là phải decentralized từ đầu.
  • Dành cho IDO, bao gồm phân bổ thanh khoản: Số lượng token này sẽ được sử dụng trong việc tạo ra liquidity pool nếu bạn thực hiện IDO token trên các sàn phi tập trung - decentralized exchanges. Không có nó thì sẽ không có pool thanh khoản để người dùng/nhà đầu tư của bạn có thể giao dịch.
  • Phần còn lại: cố vấn, marketing, xây dựng cộng đồng, hệ sinh thái, phần thưởng. Thông thường số lượng token còn lại sẽ được phân bổ lại cho cộng đồng để khuyến khích họ tham gia vào hệ thống, thực hiện các giao dịch ... chính những điều này sẽ là thành tố quan trọng nhất giúp tạo ra và duy trì giá trị token của bạn.

B3. Chọn hình thức launch dự án

Về cơ bản thì có 3 hình thức chính để launch dự án như dưới đây:

  • ICO: là hình thức phổ biến nhất và được biết đến sớm nhất(từ 2013 - Mastercoin). Với hình thức này, bạn sẽ là người đạo diễn và tổ chức tất cả mọi thứ: KYC, gọi vốn từ các nhà đầu tư, phát hành token, tạo smartcontract, marketing, danh sách Whitelist...
  • IEO: với hình thức này, hầu hết các công việc sẽ được xử lý bởi một sàn giao dịch tập trung - centralized exchange. IEO được biết đến lần đầu tiên vào tháng 1/2019 - Bitorrent.
    Ưu điểm của IEO là token sẽ list lên sàn ngay lập tức và có thanh khoản ngay sau khi launch. Ngoài ra, sàn giao dịch có thể thu hút một số lượng lớn người dùng cho dự án của bạn nên có thể IEO thì sức hút của dự án của bạn sẽ tăng lên nhiều lần.
    Nhược điểm của IEO là chi phí lớn, một số sàn yêu cầu khoảng $250K để có thể list lên sàn.
  • IDO: đây là hình thức tương đối mới mẻ, lần đầu xuất hiện vào năm 2019 - dự án Raven Protocol trên Binance DEX. Khác với IEO, IDO là hình thức bán ra token lần đầu trên sàn phi tập trung - decentralized exchange. Hình thức này còn gắn liền với các launchpads - nền tảng hỗ trợ dự án thực hiện token sale. Nguyên nhân là do launchpad có kinh nghiệm marketing và có rất nhiều mối quan hệ với nhà đầu tư do đó nó có thể hỗ trợ được dự án có thể thực hiện bán ra lần đầu token hiệu quả hơn.

Ngoài ra còn có một số hình thức khác mới xuất hiện:

Mixed launch

Đây là hình thức kết hợp ICO, IDO, IEO với mục tiêu tối đa hóa khả năng tiếp cận đến các đối tượng nhà đầu tư khác nhau, các hình thức có thể bao gồm: bán trực tiếp cho nhà đầu tư, bán một phần trên launchpads, list lên các sàn giao dịch.
Hình thức này sẽ phức tạp hơn và sẽ phù hợp với các dự án lớn với đội ngũ mạnh , có được sự hỗ trợ lớn từ cộng đồng / nhà đầu tư và công nghệ phải thật tốt. Thực hiện Mixed launch khá khó khăn vì nó liên quan đến việc đàm phán với nhiều bên cùng một lúc. Do đó, nó không phù hợp cho bạn nếu bạn là người mới bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này.
Soldex là một ví dụ cho hình thức launch này. Đội ngũ của Soldex thực hiện 3 vòng private sales dưới dạng ICO, sau đó họ tiếp tục cộng tác với 4 launchpads khác (Lightning, Trustpad, Synapse Network, NFTPAD) và list lên sàn centralized. Tổng cộng họ gọi được $9M cho dự án của mình.

Fair token distribution

Ngoài các hình thức bên trên, cũng có nhiều dự án không mở bán thông qua bất kỳ hình thức nào kể trên, mà sẽ được phân phối thông qua các hoạt động như Testnet, Airdrop, Staking, Liquidity Providing,... Điều này giúp dự án trở nên “bình đẳng” hơn đối với cộng đồng quan tâm và tiếp cận được người dùng nhiều hơn.

Một số Fairlaunch Project nổi bật có thể kể đến như: Uniswap (UNI), Sushiswap (SUSHI), Yearn Finance (YFI),... Họ không mở bán token dưới bất kỳ hình thức nào để raise fund trước mà sẽ phân phối token cho những người dùng thực sự của nền tảng. Nhờ đó token được phân phối cho những người đóng góp giá trị cho dự án, giảm tình trạng “dump” sâu do người người mua Seed sale và Private sale “xả” token. Nhưng điều này có thể khiến dự án “bỏ lỡ” một phần vốn có thể gọi từ cộng đồng.

B4. Xác định các vòng funding

  • Gọi SEED round nếu bạn không có đủ $10 - $40K để phục vụ ICO.
    Mục tiêu của vòng này là chuẩn bị một số tiền cơ bản để phục vụ cho tiến trình launch dự án. Nếu bạn có đủ số tiền trên thì không cần gọi vốn ở vòng này.
  • Đừng tăng giá quá cao giữa các vòng, từ 10-15% là chấp nhận được.
    Thông thường, họ sẽ giữ mức chênh lệch hợp lý - thường là 10 - 15%. Bởi vì nếu như giá bán mỗi đợt có sự chênh lệch quá cao, những nhà đầu tư đến trước sẽ có xu hướng chốt lời sớm, ngược lại, những nhà đầu tư ở vòng sau sẽ không có động lực tham gia mở bán.
    Chính vì thế, bạn nên áp dụng thêm cơ chế vesting để phân bổ quyền lợi hợp lý giữa các nhà đầu tư. Ví dụ những nhà đầu tư đến trước phải chịu thời gian lock lâu hơn vì họ mua ở giá rẻ hơn. Ngược lại, những nhà đầu tư mua với giá cao hơn sẽ được unlock token sớm hơn.
  • Chọn một cấu trúc các vòng gọi vốn phù hợp với hình thức launch của bạn. Điều này có nghĩa là cấu trúc các vòng gọi vốn sẽ phụ thuộc vào hình thức launch dự án của bạn mà cốt lõi nằm ở số tiền mà bạn cần huy động và kế hoạch dài hạn.
    Không nhất thiết phải tuân thủ thứ tự seed -> private -> public sale. Nhiều dự án thậm chỉ chỉ public sale mà không thực hiện các bước trước đó mà vẫn thành công. Bạn có thể chọn các giai đoạn token sale sao cho nó phù hợp với kế hoạch lâu dài của bạn.
  • Giữ private sale đủ nhỏ, sao cho nó nhỏ hơn public sale. Bởi nếu size của private sale quá lớn và hầu hết mọi thứ được chốt xong trong giai đoạn này khì sẽ không tạo ra được hứng thú với những nhà đầu tư tiềm năng trong public sale. Điều này có thể gây ra tác dụng ngược và không khuyến khích được cộng động tương tác, trao đổi và gia tăng giá trị cho token của bạn.

B5. Đưa ra các phương án chống giảm giá

Đưa ra các phương án chống giảm giá là một trong những cách để bảo vệ dự án trước những khả năng biến động của thị trường khi một nhóm người mua được ở giá tốt có thể thực hiện xả hàng khi ICO diễn ra. Với những dự án làm việc nghiêm túc (không scam), việc xả hàng nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch  và mục tiêu gọi vốn. Ngoài ra nó còn gây tiếng xấu và ảnh hưởng đến những kế hoạch marketing của dự án về lâu dài. Do đó đưa ra các phương án chống xả hàng dẫn đến giảm giá là việc rất quan trọng.

Một trong những biện pháp mà nhiều dự án đang áp dụng là vesting. Có thể giải nghĩa đơn giản là số token sẽ được khóa lại và nhả dần theo lộ trình để đảm bảo không phải tất cả mọi người đều lao vào thị trường và xả hàng cùng 1 lúc.

Do thế giới crypto thay đổi rất nhanh nên thời gian vesting không được quá dài. Thông thường từ 3 - 5 năm là khoảng thời gian hợp lý. Nó đủ để cho đội ngũ phát triển tạo ra thành quả, trong khi không quá ngắn để nhà đầu tư cho rằng đội ngũ không cam kết lâu dài với dự án và có thể chỉ đang scam - lùa gà.

Ví dụ cho kế hoạch cụ thể có thể như thế này:

  • Team: Không trả gì trong 6-12 tháng đầu. Nhả dần hằng tháng hoặc hàng tuần từ năm thứ 2 trở đi đến hết năm thứ 4.
  • Nhà đầu tư: Không trả gì trong 3-6 tháng đầu. Nhả dần hàng tháng hoặc hàng tuần sau đó.
  • Liquidity: Khóa từ 12-24 tháng.
  • Các ví khác: Nhả dần sau 12 - 18 tháng.

B6. Lên mô hình và giả lập các hành động trong kế hoạch launch

Nội dung chính của công việc ở bước này là kiểm tra lại tính bền vững và hiệu quả của mô hình mà bạn đã thiết kế.

Đừng quá tham lam và ôm đồm mọi việc. Nếu bạn không phải chuyên gia trong lĩnh vực này thì tốt nhất là thuê một chuyên gia để thiết kế mô hình Tokenomics cho bạn. Ngoài ra cần thuê thêm các ông khác để review lại tổng thể Tokenomics và cấu trúc ICO, mô hình tài chính + vốn, vấn đề bảo mật của hợp đồng thông minh và hệ thống để đảm bảo rằng không có những vấn đề có thể phát sinh khi thực hiện launching và trong dài hạn.

B7. Cung cấp thông tin minh bạch về mọi khía cạnh của token sale

Việc cung cấp thông tin minh bạch sẽ giúp cho đám đông nhà đầu tư hiểu và tin tưởng vào dự án của bạn. Thêm vào đó, việc giao tiếp với thế giới đến đây vẫn phải được tiến hành liên tục. Tốt nhất, bạn nên có các chuyên gia trong mọi khía cạnh của dự án túc trực 24/24.
Bởi đây là giai đoạn quyết định trong lịch sử dự án của bạn, sẽ có những người tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi hoặc chỉ đơn giản là yêu cầu hướng dẫn về cách thực hiện. Và nếu những thắc mắc không được thỏa mãn, bạn có thể sẽ mất đi những cơ hội có thêm tiền đầu tư. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu gọi vốn mà bạn đề ra.

Đây là công thức ngắn gọn để thực hiện thành công ICO được cóp nhặt từ những chuyên gia đầu ngành + kết hợp với kiến thức cá nhân. Người đọc có thể tham khảo và nghiên cứu thêm để hiểu sâu hơn về vấn đề.